Đưa biển đảo, biên giới về gần hơn với Vĩnh Long

Kỳ 2: Đổi thay ở huyện đảo Lý Sơn

Cập nhật, 13:10, Thứ Tư, 11/05/2022 (GMT+7)

Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trưng bày những hiện vật và tài liệu mang tính pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trưng bày những hiện vật và tài liệu mang tính pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

(VLO) Tiếp tục chuyến công tác cùng đoàn của Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh tìm hiểu về biển đảo, chúng tôi có dịp ghé thăm huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Qua giới thiệu của lãnh đạo huyện, Lý Sơn hôm nay đang trong quá trình xây dựng huyện đảo vững mạnh về kinh tế- xã hội cũng như về phong trào bảo vệ an ninh biển, đảo.

Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý (24km). Huyện có diện tích tự nhiên 10km2, dân số 22.000 người. Trước đây, huyện Lý Sơn có 3 đơn vị hành chính cấp xã: An Vĩnh, An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé).

Muốn đến đảo Lý Sơn, cách phổ biến nhất là đi từ cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn). Cảng Sa Kỳ thuộc loại sầm uất nhất trong các vùng ven biển miền Trung, là cửa ngõ ra đảo Lý Sơn. Mỗi ngày cảng bán vé ra đảo từ 7h30- 15h30 và ra đảo tầm 30 phút bằng tàu cao tốc.

Địa chỉ đỏ chủ quyền biển, đảo

Tuy có quy mô diện tích và dân số nhỏ nhưng huyện đảo Lý Sơn có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh; được xem là lá chắn, phên giậu vững chắc trên Biển Đông để bảo vệ khu vực duyên hải miền Trung của Việt Nam.

Theo ông Đặng Kim Đồng- cán bộ Phòng Văn hóa huyện, Lý Sơn có lịch sử gắn liền với chủ quyền biển đảo của Việt Nam và là quê hương của Hải đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Hiện huyện đã xây dựng Nhà trưng bày để lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật được sưu tầm, phục dựng gắn với Hải đội hùng binh Hoàng Sa cách đây hơn 400 năm, nơi nhắc nhở mỗi người về chủ quyền đất nước và tự hào dân tộc.

Ông Đồng cho biết, vào khoảng đầu thế kỷ XVII, để tăng cường quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chúa Nguyễn đã lập ra đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải do triều đình quản lý.

Bảo vệ, giữ vững quốc phòng, an ninh được Đảng bộ, quân và dân trên đảo xem là nhiệm vụ hàng đầu.
Bảo vệ, giữ vững quốc phòng, an ninh được Đảng bộ, quân và dân trên đảo xem là nhiệm vụ hàng đầu.

Hàng năm, khoảng 70 trai tráng được lựa chọn từ cư dân vùng biển Trung Bộ, chủ yếu là vùng Lý Sơn- Quảng Ngãi để điều ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt và thu lượm sản vật. Về sau, họ đảm nhận thêm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền.

Theo các tài liệu được lưu giữ tại đây, các thành viên đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đều xác định “một đi không trở về”. Thực tế là nhiều người, nhiều đội binh như vậy đã để lại thân xác tại biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cho nên người thân của họ chỉ đắp mộ chiêu hồn, còn gọi là mộ gió.

Ngày nay để tưởng nhớ công lao của những hùng binh Hoàng Sa, hàng năm trên đảo Lý Sơn, vào mỗi tháng ba âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ðây luôn được coi là hoạt động tâm linh quan trọng đối với người dân đảo Lý Sơn.

Ông Đặng Kim Đồng cho biết, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trưng bày hơn 100 hiện vật cũng như sử liệu về chủ quyền, hoạt động của Hải đội. Những hiện vật và tài liệu là bằng chứng rõ ràng và mang tính pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Hiện, nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên huyện đảo Lý Sơn đã trở thành “địa chỉ đỏ” để người dân cả nước đến tìm hiểu, học tập, nghiên cứu để hiểu rõ hơn những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đổi thay ở Lý Sơn

Ông Nguyễn Minh Trí- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, từ ngày 31/3/2020 huyện Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã. Tất cả nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật giao cho chính quyền địa phương ở xã được chuyển đến các phòng- ban chuyên môn của huyện giải quyết.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tình hình phát triển kinh tế- xã hội huyện Lý Sơn những năm gần đây có bước phát triển bứt phá; đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển kinh tế biển.

Trong các sản phẩm nông nghiệp của huyện, có 2 sản phẩm chủ lực được nhiều người biết đến là tỏi Lý Sơn và hành. Hàng năm, sản lượng tỏi tươi ước đạt trên 3.000 tấn, hành tươi ước đạt 8.000 tấn.

Ông Đỗ Thành Tân- Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, với điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng kinh nghiệm truyền thống lâu đời của người dân đã tạo nên hương vị tỏi riêng biệt, chỉ có ở đảo Lý Sơn.

Huyện đảo Lý Sơn phát triển nhanh, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.
Huyện đảo Lý Sơn phát triển nhanh, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Theo ông Tân, nông dân trồng tỏi sử dụng đất tạo thành từ núi lửa, cát san hô có quanh đảo nên tạo cho sản phẩm tỏi rất đặc trưng của huyện. Hiện sản phẩm tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Lý Sơn có đội tàu cá với gần 550 chiếc, mỗi năm, khai thác đạt trên 31.000 tấn hải sản các loại, với giá trị trên 900 tỷ đồng. Bên cạnh, huyện còn chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên biển.

Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản được các hộ dân đầu tư để mở rộng sản xuất, với sản lượng xuất bán đạt hàng trăm tấn, đạt vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Minh Trí- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn cho biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tới đây, ngoài tập trung các sản phẩm chủ lực hiện có, huyện tập trung khai thác các lợi thế để phát triển du lịch, coi đây là một trong những lĩnh vực mũi nhọn để địa phương phát triển.

Trong đó, chú trọng bảo tồn, lưu giữ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn gắn với truyền thống khai thác biển, đảo lâu đời của người dân Lý Sơn. Hiện, lượng khách du lịch đến Lý Sơn tăng đều qua các năm. Đặc biệt trong năm 2019, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, huyện đảo đón trên 265.000 lượt khách du lịch mang về doanh thu 317 tỷ đồng.

* Trong định hướng phát triển du lịch, Lý Sơn tiếp tục phát huy giá trị của 6 di tích quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, cùng những công trình kiến trúc nghệ thuật, cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng… để thu hút du khách.

* Bảo vệ, giữ vững quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc được Đảng bộ, quân và dân trên đảo xem là nhiệm vụ hàng đầu. Trong thời bình, cần chú trọng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế du lịch để nâng cao đời sống của nhân dân trên đảo, qua đó tăng cường đối ngoại nhân dân để du khách quốc tế hiểu thêm về lịch sử biển đảo, về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Huyện thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích Nhân dân kiên cường bám biển vừa đánh bắt phát triển kinh tế- xã hội, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo, không xâm phạm vùng biển nước ngoài...

Kỳ cuối: Cột mốc ba biên giới thắm tình hữu nghị

Bài, ảnh: BÙI THANH