Không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng giải quyết việc ly hôn

Cập nhật, 21:15, Thứ Năm, 31/08/2023 (GMT+7)

Vợ chồng tôi sau nhiều năm mâu thuẫn không thể giải quyết được nên quyết định ly hôn. Nhưng hiện tại, tôi làm ăn ở xa khó về để dự phiên tòa được. Vì vậy, chúng tôi đã thỏa thuận xong mọi việc từ thống nhất ly hôn, chia tài sản, giao con cho ai nuôi dưỡng và hình thức trợ cấp... Tôi có thể nhờ người thân thay mặt đến tòa án khi giải quyết ly hôn, tôi không phải về, có được không?

L.V.T. (TP Bến Tre)

Trả lời:

Anh T. thân mến! Trường hợp anh nêu có thể được xem là anh chị đã thuận tình ly hôn theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án giải quyết việc ly hôn.

Tuy nhiên, theo khoản 4, Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định: Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Chỉ trừ trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2, Điều 51 của Luật Hôn nhân và Gia đình thì họ là người đại diện. Điều luật này quy định: Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Do vậy, dù thuận tình ly hôn, anh vẫn phải sắp xếp công việc để đến tòa án giải quyết việc ly hôn.

HT tư vấn