Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực từ thời điểm được công chứng

Cập nhật, 06:14, Thứ Tư, 24/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi có đặt cọc mua một thửa đất và có công chứng giấy đặt cọc tiền. Nhưng ngay sau đó, vợ tôi phản đối không chịu mua thửa đất đó, tôi xin lại tiền cọc thì bên bán không đồng ý, nói rằng hai bên đã thống nhất bằng văn bản nên không thay đổi. Trường hợp này, tôi có thể xin lấy lại tiền đặt cọc không?

H.T.B. (Vũng Liêm)

Trả lời: Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP: Hợp đồng (HĐ) bảo đảm bao gồm các HĐ: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, đồng tín chấp.

HĐ bảo đảm có thể là sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc thỏa thuận giữa bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người có nghĩa vụ được bảo đảm.

HĐ bảo đảm có thể được thể hiện bằng HĐ riêng hoặc là điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp này giấy đặt cọc của anh được xem là HĐ đặt cọc. Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 nghị định nói trên về hiệu lực của HĐ bảo đảm: HĐ bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực. Do vậy, việc anh xin lại tiền đặt cọc bên bán không đồng ý là đúng vì HĐ đã được công chứng, được xem là đã có hiệu lực.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ