Hợp đồng bảo đảm có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận

Cập nhật, 05:31, Thứ Sáu, 12/08/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi vừa đặt cọc một khoản tiền khá nhiều để mua thửa đất nhưng chỉ làm giấy tay không có công chứng. Hiện nay, thời hạn hẹn ra cơ quan chức năng làm thủ tục mua bán giữa 2 bên dù đã trễ nhưng người bán cứ không đưa giấy tờ ra được. Nếu việc mua bán không thành, giấy giao nhận tiền cọc của tôi có giá trị không?

N.T.C. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Về trường hợp này, chị có thể yên tâm. Theo khoản 5, Điều 3 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: Hợp đồng bảo đảm bao gồm hợp đồng cầm cố tài sản, hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ký cược, hợp đồng ký quỹ, hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu, hợp đồng bảo lãnh hoặc hợp đồng tín chấp.

Hợp đồng bảo đảm có thể là sự thỏa thuận giữa bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm hoặc thỏa thuận giữa bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và người có nghĩa vụ được bảo đảm.

Hợp đồng bảo đảm có thể được thể hiện bằng hợp đồng riêng hoặc là điều khoản về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hình thức giao dịch dân sự khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm được quy định tại khoản 1 và 2, Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP như sau:

1. Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.

2. Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 điều này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ