Tam Bình

Xây "đường băng" cho nông nghiệp cất cánh

Cập nhật, 13:40, Thứ Tư, 22/06/2022 (GMT+7)

 

Hệ thống camera giám sát nhân công làm việc tại vườn cam sành của anh Huỳnh Công Vinh.
Hệ thống camera giám sát nhân công làm việc tại vườn cam sành của anh Huỳnh Công Vinh.

 Làm thế nào để biến những thế mạnh truyền thống của nông nghiệp Tam Bình thành những mũi đột phá mạnh mẽ dẫn dắt sự phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững toàn diện và tiếp cận với tư duy kinh tế hiện đại? Những trăn trở của bao lớp nông dân, những suy tư của nhiều lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tam Bình đã đi vào nghị quyết. Giờ là lúc để những tầm nhìn, quyết sách được lan tỏa, thấm sâu vào cuộc sống, trở thành những chương trình hành động cụ thể.

Cái “bắt tay” giữa Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Quốc Thái với các nhà khoa học vào ngày 19/5, là khởi đầu cho niềm tin và hy vọng về một “đường băng” cho nông nghiệp Tam Bình cất cánh bay lên.

Nông dân sắm máy bay phun thuốc cam sành

Khi lãnh đạo Tam Bình đang rất quyết tâm, cùng với đó là lớp nông dân thế hệ mới đang hướng đến chuyện “mần ăn lớn”, thì hình ảnh “cất cánh bay lên” của nông nghiệp địa phương, không phải là kiểu nói phóng đại, mơ mộng viễn vông. Chúng tôi về xã Bình Ninh để chứng kiến những nông dân “chịu chơi” một cách có bài bản, khoa học, nghiêm túc, dám… bỏ xuống đất vài chục tỷ bạc đầu tư cho vùng nguyên liệu cam sành vượt qua lời nguyền “được mùa mất giá”.

Anh Huỳnh Công Vinh điều khiển máy bay phun thuốc cho cam sành.
Anh Huỳnh Công Vinh điều khiển máy bay phun thuốc cho cam sành.

Cả vùng nguyên liệu cam sành rộng lớn, nhưng không tập hợp được thành sức mạnh của thương hiệu, bởi kiểu sản xuất nhỏ, đất đai manh mún và tư duy cũng rất… tủn mủn, làm sao có thể đủ sức cạnh tranh từ “sông rạch vươn ra biển lớn”. Câu chuyện cùng một số nông dân cố cựu ở ấp An Hòa A, xã Bình Ninh (Tam Bình) xoay quanh những khiếm khuyết của nông nghiệp kiểu cũ. Họ ví dụ đơn giản, chuyện cam VietGAP, ký hợp đồng xuất khẩu làm mấy chuyến đầu ngon lắm, vài lần là thất bại hàng bị trả về. Cái kiểu thu gom lẻ mẻ, vận chuyển bằng xe gắn máy trên đường đi không thể nào kiểm soát chất lượng đã bị trộn lẫn hàng kém chất lượng. Xây dựng thương hiệu cần kiểu làm ăn lớn và tư duy kiểu mới. Đó là những nông dân như anh Cảnh, anh Hùng, anh Út… họ đã gắn bó với cam sành truyền đời từ mấy chục năm nay, kinh nghiệm và tiếp cận kiến thức mới, áp dụng công nghệ kỹ thuật mới, họ quyết tâm “làm mới” cho trái cam sành.

Những vườn cam nối tiếp nhau, người ít cũng vài chục công, riêng anh Huỳnh Công Vinh (48 tuổi) tên thường gọi là anh Út, đầu tư 2 khu vườn cam sành, diện tích khu 1 là 80 công và khu 2 là 70 công, liền kề nhau. Cùng với đó, anh Út mạnh dạn đầu tư nhiều công nghệ kỹ thuật cao để quản lý vườn cam sành một cách khoa học và hiệu quả hơn. Tiền thuê mướn đất khoảng 7 triệu đồng/công, cộng đầu tư tất cả chi phí, cho đến khi bán được trái cam khoảng 27 tháng, anh Út cho biết tổng chi phí tầm khoảng 150 triệu đồng/công.

Hệ thống tưới tiêu tự động, kiểm soát điều tiết liều lượng nước vào từng gốc cam, hệ thống này có thể sử dụng để bón phân theo liều lượng chính xác, tiết kiệm lượng phân bón tiêu hao không hiệu quả. Trong khi tiền thuê 2 nhân công tưới nước cho 80 công cam mất 500.000 đ/ngày, cộng chi phí xăng dầu hiện nay khoảng 500.000đ nữa là triệu bạc. Tưới cách nhật, nếu xoay vòng 2 khu cam của anh Út tiền nhân công riêng cho tưới tiêu mỗi năm đã trên 300 triệu đồng. Trong khi đầu tư hệ thống tưới tự động 10 triệu đồng/công, tiền điện tầm khoảng 100.000 đ/ngày. Chi phí giảm thấy rõ, đó là hiệu quả của đầu tư công nghệ.

Diện tích quá rộng, nhưng anh Út vẫn có thể… nằm võng trong chòi, quản lý nhân công làm vườn qua hệ thống camera bao quát cả 2 khu vườn. Qua hệ thống giám sát, nhân công làm việc cũng đạt năng suất cao. Đặc biệt, anh Út còn “chịu chơi” sắm chiếc máy bay chuyên phun thuốc trị giá 626 triệu đồng, cùng với phụ kiện 4 cục pin, mỗi cục pin là 35 triệu và một máy chuyên sạc pin khi không có điện trị giá 25 triệu đồng. Máy bay phun thuốc có 2 chế độ điều khiển bằng tay hoặc tự động. Máy quét định vị diện tích, sau đó nó có thể tích hợp vào bộ nhớ tự bay, tự phun thuốc và quay về tự đáp xuống vị trí an toàn. Bình thuốc 30 lít, có công suất phun 2 công đất trong vòng 5 phút.

Ước mơ của anh Út là cùng nhau tạo ra lớp thế hệ nông dân mới, biết tăng thêm hàm lượng chất xám cho nông nghiệp, tạo thương hiệu bền vững và cùng nhau tạo nên những vùng nguyên liệu rộng lớn, có thể quản lý chặt khâu logistics tức quản lý được chất lượng trong quá trình vận chuyển, đúng cam kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp.

Hình ảnh chiếc trực thăng bay lên trên cánh đồng cam sành Tam Bình, mang theo giấc mơ bay cao của một vùng cam sành truyền thống và nền nông nghiệp sạch, đáp ứng sự phát triển một cách bền vững.

Tăng hàm lượng chất xám cho nông nghiệp

Đó cũng là định hướng của huyện Tam Bình nhằm tăng hàm lượng chất xám khoa học công nghệ cho nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tuần hoàn của đất nước, phù hợp xu hướng phát triển chung của thế giới.

Sau thời gian khảo sát, đánh giá, thảo luận các bên đã đi đến thống nhất, ngày 19/5, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Thái, đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác giữa Tam Bình và đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đến từ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao- Viện Di truyền nông nghiệp (ECITA).

Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Quốc Thái (trái), ký thỏa thuận hợp tác với TS Trần Chí Thành- Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM).
Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Quốc Thái (trái), ký thỏa thuận hợp tác với TS Trần Chí Thành- Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM).

Ông Nguyễn Quốc Thái cho biết: “Về phía VINATOM, sẽ phối hợp với Tam Bình triển khai các mô hình thực tế, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nhân rộng ra ở địa phương các kết quả nghiên cứu khoa học đã được kiểm chứng đạt hiệu quả cao cho phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ”. Tam Bình sẽ phối hợp chặt chẽ và nhận sự hỗ trợ từ lực lượng cán bộ khoa học và hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại, thông qua các đơn vị trực thuộc, Viện sẽ tập trung nguồn lực khoa học công nghệ để nghiên cứu ứng dụng công nghệ bức xạ, công nghệ vi lượng đất hiếm, công nghệ nano và công nghệ vi sinh… phát triển các sản phẩm có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sự hợp tác này sẽ phát huy thế mạnh Tam Bình trong lĩnh vực nông nghiệp về diện tích đất, cây trồng lương thực, cây ăn quả và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thông qua các phòng chức năng, trạm thực nghiệm, cơ sở khuyến nông, hợp tác xã… Kết nối với các mô hình sản xuất sẽ phối hợp với VINATOM triển khai các chương trình ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện, song song với việc nâng cấp thành các khu nông nghiệp công nghệ cao trong thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt.

Cùng hợp tác song song, bà Trịnh Thị Thanh Hương- Giám đốc ECITA, giải thích nội dung hỗ trợ về phía trung tâm, là: “Khảo nghiệm mở rộng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm vi sinh trong canh tác nông nghiệp, xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, xử lý môi trường. Phân bón có nguồn gốc sinh học, giống cây, con, quy trình kỹ thuật trồng trọt tiên tiến nhằm xác định những sản phẩm phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại địa phương”. Theo bà Hương thì trong những năm qua, các chương trình này đã được triển khai rất thành công ở một số tỉnh- thành phía Bắc.

Có thể nói đây là cái “bắt tay” lịch sử, giữa địa phương cấp huyện với những trung tâm khoa học hàng đầu Việt Nam. Giúp nông dân tiếp cận với những ứng dụng khoa học công nghệ cao, tăng nhanh hàm lượng chất xám cho nông nghiệp địa phương. Sự hợp tác có tính chất bước ngoặt làm “bệ phóng” cho nền nông nghiệp Tam Bình cất cánh vươn lên một cách vững chãi, dài lâu.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG