Tạo chuỗi liên kết trong chăn nuôi gà

Cập nhật, 06:24, Thứ Tư, 15/06/2022 (GMT+7)

 

Mô hình chăn nuôi gà hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cho người nuôi.
Mô hình chăn nuôi gà hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá cho người nuôi.

Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi sản xuất- tiêu thụ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2022” bước đầu đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người chăn nuôi.

Chuyển biến tích cực trong định hướng chăn nuôi

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Mang Thít, huyện có thế mạnh về chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo hướng trang trại, cụ thể là heo và gia cầm. Trong đó, hiện nay, nuôi gà là một trong những đối tượng nuôi phù hợp vì không những giúp tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người nông dân mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm quan trọng cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhu cầu về thịt gia cầm ngày càng tăng cao thì việc chăn nuôi gia đình theo hướng an toàn sinh học, chọn đối tượng nuôi thích hợp vẫn là hình thức phù hợp, tăng thêm thu nhập cho nông hộ và góp phần cải tạo môi trường trong chăn nuôi, giải pháp giúp cân bằng ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuỗi liên kết trong chăn nuôi chưa được quan tâm, vì vậy hiệu quả sản xuất chưa cao. Từ thực tế nêu trên, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi sản xuất- tiêu thụ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2022”. Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, cho hay: Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng và phát triển mô hình liên kết chuỗi sản xuất cung cấp con giống, chăn nuôi và tiêu thụ gà thả vườn trong chuỗi giá trị gia cầm nhằm tạo được hướng chuyển biến tích cực trong định hướng chăn nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ hình thức chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mang tính bền vững cao. Đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm thịt gà, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nông hộ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, có ý thức trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi ổn định đầu ra an tâm phát triển sản xuất. Qua đó, từng bước xây dựng và hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo chất lượng, số lượng, giá cả cạnh tranh để cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nâng cao kiến thức chăn nuôi gắn với liên kết

Dự án thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; Nhà nước đầu tư theo chính sách. Cụ thể, Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thành lập tổ hợp tác, ký kết hợp đồng sản xuất- tiêu thụ và hội nghị nhân rộng mô hình; hỗ trợ 50% chi phí mua gà giống thả vườn 1 ngày tuổi; hỗ trợ 30% chi phí thức ăn cho gà thả vườn bố mẹ và gà nuôi thương phẩm theo định mức quy định. Hộ dân đầu tư 50% tiền mua con giống, 70% tiền mua thức ăn, 100% vắc xin tiêm ngừa, thuốc thú y cho gà, chế phẩm balasa, kinh phí xây dựng chuồng trại, trang thiết bị, vật tư chăn nuôi, chăm sóc nuôi dưỡng.

Tham gia mô hình, anh Huỳnh Thanh Hừng (xã Tân Long Hội- Mang Thít), cho biết: “Lúc trước tôi cũng có nuôi gà theo phương thức cũ nhưng không hiệu quả, giá cả bấp bênh, năng suất lại thấp. Sau khi tham gia mô hình, tôi tiếp cận được phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, nhờ vậy đàn gà phát triển tốt, có đầu ra ổn định. Sau khi trừ hết chi phí còn lời khoảng 10 triệu đồng. Tôi cũng giữ lại vài chục con gà bố mẹ để tiếp tục nhân rộng thêm nữa”.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long Hội, cho hay: “Hộ tham gia dự án được hỗ trợ 50% con giống, 30% thức ăn, còn lại do người chăn nuôi đối ứng. Qua hơn 4 tháng chăn nuôi, mô hình đem lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận khá cho người chăn nuôi. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia mô hình để đạt được hiệu quả tốt nhất, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Hồ Phước Dư, việc triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi sản xuất- tiêu thụ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021- 2022” góp phần tạo hướng chuyển biến tích cực trong định hướng chăn nuôi, thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mang tính bền vững cao. Mô hình chăn nuôi gà này có sự khác biệt với cách chăn nuôi truyền thống. Trước đây người dân nuôi nhỏ lẻ, không có liên kết, đầu ra không ổn định. Tham gia mô hình người nuôi được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, có liên kết đầu vào đến đầu ra, qua đó góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp tại địa phương.

“Bước đầu, dự án đã ghi nhận được nhiều kết quả khả quan. Theo đó, người chăn nuôi nâng cao ý thức trong sản xuất, chủ động thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Thông qua các buổi tập huấn, hội thảo, giúp nông dân nâng cao kiến thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết chuỗi sản xuất- tiêu thụ, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn”- ông Hồ Phước Dư đánh giá.

Theo dự án, trong năm 2022: Xây dựng 1 chuỗi mô hình liên kết- tiêu thụ nuôi gà hậu bị và sản xuất gà thịt thương phẩm theo hướng giá trị gia tăng với quy mô 2.400 con (300 con/điểm, chọn 8 điểm đủ điều kiện chăn nuôi gà thịt thả vườn tham gia mô hình) được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, tập huấn kỹ thuật, kỹ năng làm kinh tế, hướng nông hộ chăn nuôi có ý thức trách nhiệm trong tổ chức sản xuất, giám sát, đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm thịt gà thuận tiện truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ an tâm phát triển sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG