Nhà nông tìm hiểu

Trồng khổ qua rừng đạt năng suất cao

Cập nhật, 10:09, Thứ Ba, 21/06/2022 (GMT+7)

Tôi được biết khổ qua rừng có nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nên tôi muốn trồng khổ qua rừng tại nhà. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn kỹ thuật trồng khổ qua rừng đạt năng suất?

Phạm Thúy An

(Xã Trà Côn- Trà Ôn)

Chị An mến!

Khổ qua rừng là loài dược liệu với nhiều công dụng. Là loài cây hoang dại nên khổ qua rừng cũng dễ trồng tuy nhiên cần nắm kỹ thuật nhất định để đạt chất lượng, năng suất cao.

Trước hết, điều quan trọng quyết định năng suất khi trồng khổ qua rừng là đất. Cần chọn đất không ngập úng, tơi xốp, tránh xa các khu vực ô nhiễm. Đất phải được cày xới làm sạch cỏ. Luống được phủ bạt để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, phòng trừ sâu bệnh và tránh rửa trôi phân, chất dinh dưỡng khi mưa.

Khổ qua rừng sinh trưởng mạnh mẽ, thời gian thu hoạch dài, do đó giàn cần làm chắc chắn để khổ qua rừng phát triển. Dàn khổ qua rừng được bố trí trụ cách trụ 3m, hàng cách hàng 2m kéo kẽm và giăng lưới mắt cáo.

Khổ qua rừng có thể gieo hạt trực tiếp lên luống, tuy nhiên để tăng sức sống cho cây đặc biệt vào mùa mưa cũng như tiết kiệm giống thì nên ươm cây trong bầu.

Khổ qua rừng nếu phát triển quá rợp sẽ ít cho trái do đó một kỹ thuật cơ bản khi trồng khổ qua rừng là ngắt đọt: lần 1 vào khoảng 10 ngày sau khi trồng, lần 2 sau 5 ngày ngắt ngọn lần 1 và lần 3 sau 35 ngày trồng. Lưu ý: ngắt đọt thực hiện vào buổi sáng, sau khi sương tan và không có mưa. Sử dụng tay hoặc dụng cụ cắt được rửa sạch để thực hiện.

Tùy tình hình đất mà bón phân cho phù hợp, vừa đủ, không quá nhiều khiến cây quá tốt chỉ phát triển lá, chồi, ít trái. Cần tưới nước mỗi ngày, khi cây chưa ra hoa thì tưới mỗi ngày 1 lần, khi cây đã có trái thì tưới 2 ngày/lần nếu trời nắng nóng.

Khổ qua rừng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, tuy nhiên, cần chủ động phòng tránh các bệnh hại như: ruồi vàng đục trái, sâu ăn lá, sâu xanh, rệp dưa, rầy nhớt,...

Sau 45 ngày khổ qua rừng sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Nên thu hoạch vào sáng sớm, mỗi đợt cách nhau 2 ngày. Thu hoạch các trái chớm bung gai, tức gai không co lại quá dày như trái non và cũng không giãn ra quá thưa như trái già.

BẠN NHÀ NÔNG