HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Tăng hiệu quả sản xuất, cạnh tranh

Cập nhật, 06:45, Thứ Sáu, 09/12/2022 (GMT+7)
Nhiều hoạt động hỗ trợ góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.Ảnh minh họa
Nhiều hoạt động hỗ trợ góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững.Ảnh minh họa
Thời gian qua, các chương trình hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần giúp các DNNVV tăng hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường…
 
Nhiều kết quả tích cực
 
Để hỗ trợ và phát triển các DNNVV, tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 
Các chương trình hỗ trợ và phát triển DNNVV trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên một số lĩnh vực như hỗ trợ công nghệ, chuyển đổi số DN, chuyển giao công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ sáng tạo, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu,… 
 
Theo UBND tỉnh, thời gian qua, việc đẩy mạnh, đổi mới, chủ động hơn trong công tác xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử,… đã góp phần thúc đẩy sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và phát triển được nhiều DN có quy mô ngày càng lớn và chất lượng hơn. Đặc biệt thông qua các chương trình hỗ trợ, năng lực cạnh tranh của các DNNVV nói riêng và năng lực cạnh tranh các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh nói chung không ngừng được cải thiện. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ DN, DNNVV trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực…
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành công thương đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ hỗ trợ DN tham gia các hoạt động như kết nối tiêu thụ hàng hóa đã góp phần giúp các DN, các DNNVV mở rộng sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
 
Theo ông Hồ Trung Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 đã đạt kế hoạch đề ra, như tổ chức hội chợ, phiên chợ trong tỉnh đạt 100%; tham gia hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu đạt 100%; giao thương nước ngoài đạt 100%. “Hiện nay, rất nhiều DN của tỉnh đã nhận thấy được vai trò, tầm quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, nên đã tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước. Qua đó, có nhiều DN đã và đang kết nối được với nhiều đối tác, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng tính cạnh tranh, góp phần để các DN phát triển bền vững…”- ông Nghĩa cho biết.
 
Để DNNVV phát triển bền vững 
 
Bà Lê Trúc My - Giám đốc Công ty TNHH MTV My Tỷ Mai (TP Vĩnh Long) cho biết, từ năm 2011, DN đã tham gia với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại để tham gia các hoạt động xúc tiến, kết nối cung cầu. Qua đó từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ. “Nhờ tham gia các hoạt động hỗ trợ mà DN đã tìm kiếm được tiếp cận với nhiều nhà phân phối lớn, góp phần mở rộng các kênh tiêu thụ, doanh thu tăng dần từng năm”- bà My chia sẻ.
 
Không chỉ riêng DN My Tỷ Mai mà còn nhiều DNNVV khác cũng đang phát triển từng ngày theo các chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, tuy đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng việc hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, khó khăn. Trong đó, các chính sách, hỗ trợ DNNVV còn phân tán, chưa đạt hiệu quả toàn diện; nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn chế, chưa đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ... Đặc biệt là chưa huy động được các nguồn lực xã hội tham gia trong hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN; ngành nghề kinh doanh chưa đa dạng, chủ yếu tập trung vào các ngành nghề bán buôn, bán lẻ, thiếu các DN lớn tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh…
 
Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 hiện cơ bản được kiểm soát, các DNNVV đang trong giai đoạn phục hồi, nhiều DN cho rằng nguồn vốn hiện nay chính là “điều kiện sống còn” để giúp DN phục hồi nhanh và phát triển. Bà Trúc My chia sẻ, hiện tại DNNVV nói riêng, DN nói chung tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó, đặc biệt là “các room tín dụng mở rất thấp càng làm khó cho DN”. “DN muốn phục hồi nhanh đang rất cần các nguồn vốn. Đặc biệt là dịp trước, trong và sau Tết, các DN đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Thời gian tới, rất mong muốn tỉnh có những chính sách phù hợp, đặc thù dành cho DNNVV để DN tiếp tục phát triển ổn định, bền vững”- bà Trúc My nói.
 
Cần thêm nhiều chính sách đặc thù để phát triển doanh nghiệp lớn, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành. Ảnh minh họa
Cần thêm nhiều chính sách đặc thù để phát triển doanh nghiệp lớn, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành. Ảnh minh họa
Theo Chương trình hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Vĩnh Long đã xác định các nhóm chính sách hỗ trợ chung như: hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thông tin, tư vấn pháp lý; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
 
Bên cạnh là thực hiện các nhóm chính sách trọng tâm: hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ DN chuyển đổi số; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị...
Theo Chương trình hỗ trợ và phát triển DNNVV giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, phấn đấu tốc độ phát triển DNNVV mới tăng bình quân 8 - 10 %/năm; tỷ trọng đóng góp của DNNVV trên tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2025 đạt 10%; tỷ lệ DNNVV có quan hệ tín dụng ngân hàng đến năm 2025 đạt 40%; hàng năm tạo thêm việc làm mới cho 20.000 lao động; hỗ trợ 5 dự án/DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành lập mới 3 vườn ươm; hỗ trợ 100 hộ kinh doanh chuyển sang loại hình DN; phấn đấu đến năm 2025, mỗi ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn tỉnh có từ 10 - 20 DN công nghệ số…
Bài, ảnh: KHÁNH DUY