Để cải thiện vườn bưởi bị vàng lá

Phục hồi sức khỏe đất, sản xuất theo hướng hữu cơ

Cập nhật, 09:33, Thứ Ba, 06/12/2022 (GMT+7)

 

Ngành chức năng, địa phương nỗ lực tìm giải pháp nâng chất lượng bưởi Năm Roi.
Ngành chức năng, địa phương nỗ lực tìm giải pháp nâng chất lượng bưởi Năm Roi.

“Mô hình phục hồi sức khỏe đất nhằm cải thiện hiện tượng vàng lá trên cây bưởi Năm Roi” tại TX Bình Minh bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực. Mô hình còn giúp nhà vườn nâng cao nhận thức sản xuất bưởi an toàn bằng biện pháp hữu cơ sinh học.

Nhiều kết quả tích cực

Trong những năm gần đây, theo nhiều nông dân trồng bưởi Năm Roi, hiện tượng đất thoái hóa và cây phát triển kém, vàng lá, năng suất giảm, đã và đang xuất hiện nhiều ở các vườn bưởi. Do đó việc triển khai xây dựng “Mô hình phục hồi sức khỏe đất nhằm cải thiện hiện tượng vàng lá trên cây bưởi Năm Roi” tại TX Bình Minh là rất cần thiết.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp - PTNT), mô hình chú trọng việc tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân cân đối, quản lý dịch hại theo hướng IPM: vệ sinh vườn, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 dùng, sử dụng các chế phẩm sinh học… Từ đó, sẽ dần thay đổi thói quen, áp dụng biện pháp canh tác mới, bền vững hơn, an toàn cho người sản xuất, người tiêu dùng và thân thiện hơn với môi trường.

Có 2ha trồng bưởi và tham gia mô hình, chú Nguyễn Văn Nhị (ấp Mỹ Thới 1, xã Mỹ Hòa) cho hay: Tuy chỉ mới triển khai thực hiện vài tháng nhưng mô hình đã đem lại kết quả tốt. Cơi đọt ra tốt, lá dày, bóng hơn, đất trong vườn tơi xốp, màu mỡ, độ pH cải thiện. Đồng thời, sau mưa nước thoát nhanh hơn, khô ráo, không đọng vũng như trước đây. Đặc biệt, hiện tượng bệnh vàng lá cũng giảm đáng kể.

Cũng nhận thấy vườn bưởi thay đổi sau khi thực hiện mô hình, chú Nguyễn Tấn Phát (ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Hòa) chia sẻ: Cách trồng truyền thống trước đây khiến bưởi bị suy thoái, đất hết chất dinh dưỡng do lâu năm và sử dụng phân bón hóa học nhiều. Sau khi thực hiện theo mô hình, độ phì nhiêu của đất tăng hơn, hệ sinh thái trong đất được ổn định và cân bằng, giúp bộ rễ cây phát triển tốt, khỏe, hạn chế bệnh hại. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng thu nhập cho người trồng bưởi.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp cũng đã tích cực phối hợp cùng các ngành, đơn vị tìm giải pháp nâng cao chất lượng bưởi Năm Roi, trong đó nỗ lực tìm giải pháp khắc phục bệnh trên cây bưởi. Do là vùng canh tác bưởi lâu năm, phần lớn diện tích trồng bưởi ở xã Mỹ Hòa đã bị thiếu hụt dinh dưỡng trong đất, mầm bệnh trên cây bưởi nhiều và dễ lây lan do tập quán chiết nhánh trồng mới của nhà vườn.

Theo đó, từ khi áp dụng mô hình, tuy thời gian triển khai thực hiện ngắn (6 tháng), kết quả mô hình chưa thể hiện rõ nhưng qua thu thập, phân tích các chỉ tiêu theo dõi cho thấy kết quả, hiệu quả của mô hình có sự khác biệt giữa không bón phân hữu cơ và bón phân hữu cơ, độ pH được nâng lên, nổi bật là tỷ lệ vàng lá giảm 15 - 20%; giảm chi phí sản xuất.

Định hướng nhân rộng mô hình

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để khắc phục tình trạng vàng lá, tăng năng suất, sản lượng bưởi, cần có biện pháp khắc phục cho từng trường hợp cụ thể hoặc nhà vườn cần áp dụng hài hòa và tổng hợp nhiều giải pháp. Trong đó, trước hết cần thay đổi tập quán canh tác, nhận thức trong sản xuất.

Ông Lâm Phước Thành - Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV TX Bình Minh, cho rằng: Mô hình đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên nông dân thực hiện theo mô hình rất tốt, đảm bảo thời gian và lượng phân bón được cấp sử dụng đúng mục đích. Song song đó, nhà vườn cũng rất đồng thuận, nhiệt tình, tích cực trong việc thực hiện theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ theo dõi mô hình. Dù vậy, do kinh phí còn hạn chế nên chỉ hỗ trợ thí điểm trên một diện tích nhỏ so với diện tích trồng bưởi của địa phương khá lớn. Vẫn còn một số ít nhà vườn còn e ngại, chưa dám thay đổi tư duy, còn phụ thuộc nhiều vào quy trình canh tác cũ, phụ thuộc nhiều vào phân hóa học và thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc cho hay: Mô hình đã mang lại hiệu quả và cần được nhân rộng trong thời gian tới, không những đối với các nhà vườn trồng bưởi Năm Roi của xã Mỹ Hòa mà còn các địa phương khác. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ của các ban ngành đoàn thể, các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia thực hiện và nhân rộng.

“Tôi nhận thấy mô hình này áp dụng hiệu quả, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục thực hiện cho các diện tích trồng bưởi còn lại, đồng thời, vận động nhà vườn xung quanh cùng thực hiện” - chú Nguyễn Văn Nhị cho biết vậy.

Song song với việc tìm giải pháp phòng trị bệnh, tăng năng suất chất lượng bưởi Năm Roi, nhà vườn cũng mong muốn ngành chức năng tăng cường hỗ trợ đầu ra để thị trường tiêu thụ bưởi ổn định hơn, nhà vườn an tâm sản xuất.

Theo kết quả thống kê năm 2021, toàn tỉnh có hơn 8.810ha trồng bưởi, chiếm hơn 17% diện tích trồng cây ăn trái. Trong đó, bưởi Năm Roi được đánh giá là một trong những sản phẩm đặc sản của ngành nông nghiệp tỉnh. Theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, bưởi Năm Roi là một trong ba loại cây chủ lực, cần phải củng cố, khôi phục và tiếp tục được tập trung đầu tư phát triển vùng chuyên canh, duy trì, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nâng cao diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, công nghệ sau thu hoạch để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: THẢO LY