Nghiên cứu tạo loài muỗi không thể lây lan bệnh sốt rét

Cập nhật, 05:48, Thứ Bảy, 24/09/2022 (GMT+7)

(VLO) Các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra loài muỗi làm chậm sự phát triển của ký sinh trùng trong cơ thể chúng gây ra bệnh sốt rét, ngăn ngừa việc truyền bệnh sang người.

Việc biến đổi gien khiến muỗi sản sinh ra các hợp chất trong ruột của chúng giúp ngăn chặn sự phát triển của ký sinh trùng, nghĩa là ký sinh trùng không thể tiếp cận tuyến nước bọt của muỗi để truyền qua vết cắn trước khi muỗi chết.

Kỹ thuật này đã được chứng minh là làm giảm đáng kể khả năng lây lan bệnh sốt rét trong môi trường phòng thí nghiệm, nhưng nếu được chứng minh an toàn và hiệu quả trong môi trường thực tế, nó có thể là công cụ mới mạnh mẽ giúp loại bỏ bệnh sốt rét.

Sự đổi mới này do các nhà nghiên cứu nhóm Transmission: Zero (ĐH Imperial College London) thiết kế, được kết hợp với công nghệ “ổ gien” hiện có để tăng cường sửa đổi. Nhóm nghiên cứu đang hướng tới các thử nghiệm thực địa, kiểm tra kỹ lưỡng tính an toàn của việc chỉnh sửa mới trước khi kết hợp nó với “ổ gien” để thử nghiệm trong thế giới thực.

Kết quả của công nghệ sửa đổi trong phòng thí nghiệm và mô hình hóa vừa được công bố trên Tạp chí Science Advances.

HẢI HUỲNH (nguồn: Phys.org)