Trăn trở về vai trò của môn học Lịch sử hiện nay

Cập nhật, 19:31, Chủ Nhật, 12/06/2022 (GMT+7)

Lịch sử là một môn khoa học không chỉ hàm chứa tri thức của nhân loại mà còn chất chứa tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân với đất nước mình, dân tộc mình. Dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị văn hóa cho học sinh. Qua đó giúp các em hiểu biết quá khứ hào hùng của dân tộc và những giá trị của ngày hôm nay.

Vừa qua, Bộ GD- ĐT ra văn bản bắt đầu từ năm học 2022- 2023, sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, ở cấp học THCS, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý; ở cấp THPT, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội, học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học. Trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học. Điều này gây nhiều tranh luận trong hệ thống giáo dục nói riêng và trong xã hội nói chung. Bởi lẽ ở nước ta từ trước đến nay môn Lịch sử luôn là môn học độc lập được coi trọng.

Mặc dù xác định được ý nghĩa, vai trò quan trọng của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông, nhưng thực tế, đây lại là môn học có kết quả không cao trong các kỳ thi. Có thể xác định ở một số khía cạnh như sau:

Về nhận thức, đã từ lâu, trong tư duy của phụ huynh cũng như học sinh, những môn học như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh được mặc định là “môn chính” và các môn học còn lại, trong đó có môn Lịch sử được cho là “môn phụ”, vì xác định là môn phụ nên Lịch sử không phải môn thi tốt nghiệp THPT hàng năm, có năm thi, có năm không thi. Năm nào thi thì tập trung ôn, năm không thi thì qua loa để dành thời gian cho môn khác.

Thực tế nghề nghiệp trong xã hội hiện nay không có doanh nghiệp nào khi tuyển dụng nhân viên lại quan tâm đến điểm học môn Lịch sử của ứng viên. Người ta chỉ yêu cầu giỏi tiếng Anh, giỏi tin học, giỏi các kiến thức chuyên ngành. Vậy là, môn Lịch sử không còn là động lực để giúp cho học sinh, sinh viên khi vào đời tìm được việc làm.

Sách giáo khoa Lịch sử phổ thông thường ca ngợi một chiều “Ta thắng địch thua”, không nhìn nhận những khốc liệt, những nỗi đau, những mất mát, những “bi hùng” của chiến tranh.

Đội ngũ nhà giáo giảng dạy môn Lịch sử ở các trường phổ thông vẫn còn thiếu sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, giảng dạy chỉ nói lại những kiến thức đã có trong sách giáo khoa, không hứng thú, cách dạy cứng nhắc, nặng đọc chép, nặng con số, sự kiện, bắt học sinh học thuộc lòng…

Hiện nay với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ, các thế lực thù địch đang lợi dụng những phương tiện thông tin đại chúng, nhất là internet, thông qua các trang mạng xã hội để xuyên tạc lịch sử dân tộc ta. Đối tượng chủ yếu mà chúng nhắm đến là thế hệ trẻ. Vì vậy, giáo dục lịch sử ở bậc học phổ thông lại càng quan trọng, nhằm giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc; củng cố các giá trị nhân văn, lòng khoan dung, nhân ái, tinh thần cộng đồng và hình thành những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời đại mới. 

Thiết nghĩ, để góp phần khẳng định và nâng cao “vị thế” của môn học Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông, rất cần sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành.

QUYÊN TRẦN