Giá trị lấy được là nhỏ nhưng thiệt hại lớn

Cập nhật, 13:54, Thứ Năm, 02/06/2022 (GMT+7)

(VLO) Gần đây, khi đọc báo, xem đài tôi thấy đưa tin nhiều về vụ việc trộm nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2. Cầu vừa khánh thành, thông xe đã xảy ra nạn trộm cắp. Việc trộm nắp chắn rác, nắp cống, bù lon trụ điện, nắp tụ điện, nắp chụp ống nước cứu hỏa trên những tuyến đường rất thường xuyên xảy ra.

Những vật này sau khi bị lấy cắp chỉ có thể mang bán phế liệu. Từ đó có thể thấy, giá trị quy kết thành tiền (có được ở người lấy cắp) là không lớn nhưng thiệt hại khi mất những tài sản này là không hề nhỏ.

Nắp chắn rác bị mất lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng tắc cống. Cống bị mất nắp chẳng khác gì “cái bẫy” đang “há miệng” chờ, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại trên đường.

Tụ điện “lộ thiên” dễ chập mạch, cháy nổ. Trụ điện mất bù lon khi trời mưa to, gió lớn có thể sẽ đổ, ngã bất cứ lúc nào,…

Hậu quả là khôn lường. Thế nhưng, nhiều người vẫn “vô tư” lấy cắp. Chỉ vì “lợi ích” của bản thân mà một số người đã bất chấp tất cả, trong đó có tính mạng của con người.

Trước những sự vụ mất cắp tài sản công trên những tuyến đường gây bức xúc trong dư luận như đã xảy ra, nhiều người cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm những người vi phạm.

Dĩ nhiên là phải xử thật nghiêm mới có tác dụng răng đe. Tuy nhiên, đó vẫn là biện pháp xử lý khi sự việc đã xảy ra. Vì vậy, rất cần biện pháp ngăn chặn để tình trạng này không còn tái diễn. Đó là cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về thiệt hại, hậu quả khi những tài sản này bị lấy cắp.

Đồng thời, người dân cũng mạnh dạn tố cáo khi phát hiện tội phạm. Bên cạnh đó, trong thiết kế các công trình nên tính đến việc chống trộm, không để dễ tháo gỡ bất cứ bộ phận nào.

Mặt khác, phụ kiện của các công trình này cũng nên có ký hiệu “nhận biết” để không ai dám nghĩ đến việc lấy cắp và người mua cũng không thể “bao biện” là không biết từ trộm cắp mà ra.

TRƯỜNG AN