Kinh doanh "chộp giựt" khó lòng níu chân du khách

Cập nhật, 06:47, Thứ Ba, 17/05/2022 (GMT+7)

 

Nâng cao chất lượng dịch vụ để du lịch giữ chân du khách. Ảnh minh họa
Nâng cao chất lượng dịch vụ để du lịch giữ chân du khách. Ảnh minh họa

Với sự hỗ trợ của công nghệ, giờ đây khi đi du lịch vấn đề đặt ăn, đặt uống, đặt phòng nghỉ là rất dễ dàng. Nếu muốn đến một điểm du lịch nào đó chỉ cần “gõ” lên mạng là sẽ có sơ đồ hướng dẫn đường đi.

Bên cạnh đó là địa chỉ của những quán ăn, nhà hàng, khách sạn kèm theo hình ảnh minh họa, bảng giá để du khách tham khảo, lựa chọn và có thể đặt trước. Tiện lợi là thế nhưng đâu đó vẫn còn xảy ra những sự vụ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và hình ảnh của điểm du lịch đó nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Cuối tuần qua, gia đình tôi có đến một điểm du lịch để vui chơi, nghỉ dưỡng. Vì lo ngại đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ dịp 30/4, 1/5 vừa qua lượng khách đông, chất lượng phục vụ không tốt hoặc khó đặt phòng khách sạn theo ý muốn nên gia đình tôi quyết định đi vào dịp cuối tuần sau lễ. Gần đến điểm du lịch, tôi gọi quán ăn đặt món, báo lượng người, ấn định thời gian đến. Vậy mà, đến nơi nhân viên này “đổ thừa” cho nhân viên khác thành ra gia đình tôi như là “khách mới”. Bên cạnh đó, do là cuối tuần, lượng khách ra vào đông nên việc phục vụ có phần chậm trễ. Nhân viên phục vụ không “chuyên nghiệp” lắm, món ăn bàn này gọi mang ra để ở bàn khác, tính tiền khi thừa, khi thiếu. Và, “chất lượng” món ăn của quán thì khác xa so với thông tin, hình ảnh đưa lên mạng quảng cáo.

Vào những dịp lễ, Tết hay cuối tuần việc chậm trễ đôi chút trong phục vụ của quán ăn, nhà hàng, khách sạn ở những điểm du lịch là điều mà du khách có thể thông cảm được. Tuy nhiên, một khi đã kinh doanh du lịch thì việc khách đông là điều phải chuẩn bị trước trong “chiến lược” kinh doanh. Giá cả phải chăng, cung cách phục vụ luôn là hai tiêu chí hàng đầu du khách sẽ tìm hiểu khi muốn đến một nơi vui chơi, nghỉ dưỡng nào đó. Với nhiều nền tảng mạng xã hội như hiện nay chỉ cần một quán ăn, nhà hàng, khách sạn phục vụ không tốt, thức ăn không ngon, giá cả đắt đỏ hơn so với chất lượng thì lập tức sẽ được lan truyền, chia sẻ trên mạng. Vì vậy, những người hoạt động du lịch và cung ứng dịch vụ liên quan không nên kinh doanh theo kiểu… chỉ cần một lần đến.

Từ những điều nho nhỏ này tôi liên tưởng đến những vụ việc tiêu cực, “chặt chém”, hét giá ở những điểm du lịch mà du khách phản ánh, báo chí đưa tin gần đây. 2 năm qua, ngành du lịch lao đao vì dịch COVID-19. Và giờ đây đã có dấu hiệu phục hồi. Rất mong người làm du lịch đừng vì muốn kiếm lời nhanh mà “ làm ẩu”. Rất cần ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý. Vì “chặt chém”, hét giá hay những kiểu kinh doanh “chộp giựt”, không đảm bảo chất lượng thì khó lòng níu chân du khách.

Bài, ảnh: NHƯ Ý