Lòng mẹ, tình con trong dịch bệnh

Cập nhật, 06:13, Thứ Ba, 24/08/2021 (GMT+7)

 

Dẫu đi cuối đất cùng trời, các con luôn mong ngóng về bên mẹ.
Dẫu đi cuối đất cùng trời, các con luôn mong ngóng về bên mẹ.

(VLO) Vu Lan này không đèn hoa rực rỡ, không quây quần, tụ hội bên nhau. Nhưng, ơn nghĩa sinh thành, lòng con hiếu thảo vẫn cuồn cuộn biển trào khỏa lấp hết bao khó khăn chất chồng thời dịch bệnh.

Tấm lòng cha mẹ thương con biết lấy gì sánh nổi. Chắt chiu, còm cõi lo cho con từ khi nhỏ dại đến lúc thành nhân. Nay dịch bệnh khó lường, con phải xả thân ở tuyến đầu chống dịch hay còn đang ly hương cách trở, vật lộn chén cơm manh áo từng ngày... Thử hỏi, lòng cha mẹ thắt đau đến biết nhường nào.

Chưa bao giờ, giữa mẹ cha và con cái lại nhiều những “lời nói dối” đến như thế. Dẫu cha mẹ phờ phạc đêm thâu, lạnh lòng lo lắng, sức khỏe hao mòn, ăn uống tằn tiện là vậy, vẫn cố gom góp từng lọn rau, túi gạo... gửi cho các con và vẫn luôn miệng hỏi han, động viên con cái: “Cha mẹ vẫn khỏe, ổn hết, tụi con đừng lo. Ở quê có sẵn cá ao, rau vườn, chỉ tội tụi bây, cố gắng nghen con...”.

Con cái dẫu khổ cực, đội nắng dầm mưa, căng mình cùng đồng đội, bà con chống dịch cũng không dám than van cùng với mẹ cha dù chỉ một lời: “Cha mẹ yên tâm, khi làm tròn nhiệm vụ với đất nước, tụi con sẽ về nhà sum họp”.

Chú Sáu Đàm (ngụ xã Thanh Bình- Vũng Liêm), vợ mất từ năm 2013, một mình chú sống trong căn nhà ba gian trống trải.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ngày nào chú cũng đón xem thời sự, rồi gọi điện dặn dò từng đứa con phiêu bạt làm ăn tận TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Chập choạng tối, chú lặng lẽ đến bàn thờ vợ, khấn nguyện: “Bà ráng phù hộ cho tụi nhỏ mạnh giỏi, tui già rồi, không lo, chỉ lo mấy đứa con mình thôi”.

Thương cha già yếu, các con của chú thống nhất với nhau dù có khó khăn đến đâu cũng không cho chú biết.

Lên TP Hồ Chí Minh làm công nhân may gần 20 năm, chị Mỹ Ngọc (Vĩnh Long) đối mặt biết bao chật vật do thất nghiệp, lại phải chi trả tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt.

Chị trút nỗi lòng: “Tôi cũng như mọi người rất nhọc nhằn hiện nay, nói dối cha mẹ có hàng may ở nhà để cha mẹ đừng rầu rĩ. Ngẫm lại, bao người còn khốn khó hơn nên tôi luôn động viên các em vì cha mẹ mà cố gắng”.

Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng của cha, bé Quỳnh (9 tuổi, ở xã Tân Hạnh- Long Hồ) chia sẻ đầy bản lĩnh: “Cha con trực ở bệnh viện đã lâu lắm rồi vẫn chưa về thăm con. Con nhớ cha lắm, tối phải khoác thêm áo của cha thì con mới ngủ được. Ở nhà, con sẽ ngoan, phụ giúp mẹ để cha vui”.

Dẫu không một nhành hoa thắm, không vòng tay ôm đong đầy tình cảm mà sao nói hết tình yêu thương gia đình ngay lúc này. Mọi cảm xúc cứ thế nhân lên, mạnh mẽ lan tỏa đến từng con tim, bùng cháy tình thân, cứ thế vượt lên cao nữa, thành ngọn lửa cộng đồng quyết tâm xua đi bóng đêm dịch bệnh.

Các đấng sinh thành chính là núi cao tinh thần vững chãi, tiếp sức cho đàn con vượt mọi chông gai.

Thoáng phút giây yếu lòng, các con lại tựa nương vào hình ảnh mẹ cha thân yêu để nâng cao ý chí vượt lên nghịch cảnh. Dẫu bóng xế chiều tà, cha mẹ vẫn cố gắng không để tuổi già làm nặng nỗi lo lắng cho các con.

Để rồi vững tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, các con được về áp vào lòng cha mẹ. Sẽ tận tâm báo hiếu để bù đắp một mùa Vu Lan đầy quạnh quẽ, âu lo.

Và những sinh linh bé bỏng ra đời trong thời khắc khó khăn này, khi lớn lên, các con sẽ được nghe kể lại quá trình gian nan vượt qua dịch bệnh bằng sức mạnh tình cảm gia đình, để biết yêu, biết quý trọng ơn cù lao dưỡng dục, biết dâng tặng mẹ cha mỗi ngày đều là ngày Vu Lan báo hiếu cho trọn đạo làm con.

Bài, ảnh: THÁI LINH