An toàn cho trẻ- an tâm cho ba mẹ

Cập nhật, 15:23, Thứ Tư, 06/07/2016 (GMT+7)

Sự thiếu cẩn trọng, ít quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ ở trong nhà lẫn ngoài đường của người lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT).

Khi ba mẹ lơ là

Hãy đội mũ bảo hiểm cho những bé từ 6 tuổi trở lên, đảm bảo an toàn cho bé khi tham gia giao thông.
Hãy đội mũ bảo hiểm cho những bé từ 6 tuổi trở lên, đảm bảo an toàn cho bé khi tham gia giao thông.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình có 7.500 trẻ tử vong do TNTT cùng hàng ngàn trẻ khác bị thương. TNTT không chỉ khiến trẻ thiệt mạng mà còn để lại hậu quả đau lòng, ảnh hưởng lâu dài đến tinh thần, sức khỏe của trẻ.

Trong đó, không ít tai nạn xảy ra trong chính ngôi nhà của trẻ đang sống do sự bất cẩn của người lớn. Nhiều phụ huynh không để ý đồ chơi nhỏ, tròn, sắc nhọn khiến trẻ nuốt, chảy máu.

Ngoài ra, ngã cầu thang, gác không có tay vịn, thò tay vào ổ điện dưới thấp, không che chắn… là nguyên nhân của rất nhiều ca TNTT trẻ em.

Các ba mẹ không nên để bé một mình trên giường, đặc biệt là khi bé đã biết lật, trườn, bò. Nếu ba mẹ đang chơi với bé trên giường và cần lấy một thứ gì đó, thì hãy ẵm bé đi cùng, tuyệt đối không để con nằm ngồi chơi một mình.

Ẵm bé Minh Thư (6 tháng tuổi), hôn vào má con chị Nguyễn Phương Quỳnh (Phường 3- TP Vĩnh Long) xuýt xoa: “Hết hồn em ơi, chị để con trên giường có tấn gối ôm rồi đi mấy bước lấy sữa hâm cho bé bú. Mới rời mắt chừng 20 giây mà con bé lật đẩy rớt gối ôm rồi té xuống gạch luôn.

Con sợ khóc thét, chị run quá trời luôn. May mà đầu con té xuống gối, vô bệnh viện kiểm tra bác sĩ nói con mình không sao. Chị dẹp giường luôn và lúc nào cũng trông chừng con, không dám lơ là giây phút nào nữa”.

Không ít ba mẹ chủ quan khi chở con trên xe máy không hề có đai địu chắc chắn mà chỉ ẵm trên tay. Chị Nguyễn Yến Ngọc (Phường 1- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Chị rất giận khi thấy có người chủ quan vừa “nách” con một bên, tay kia chạy xe. Có khi họ chạy xe qua lộ nữa. Rồi ba mẹ không đội nón bảo hiềm cho con nữa. Thật nguy hiểm.”.

Có những em bé từ 1-2 tuổi còn được cho phép đứng, bá vai bá cổ người đằng trước, vịn vào tay lái. Trẻ ngồi ô tô không được thắt dây an toàn, trẻ được tự do chơi đùa, thò đầu ra ngoài cửa sổ xe,…

Điều này khiến cha mẹ vô tình đặt con vào nguy hiểm, phó mặc tính mạng cũng như sự an toàn của trẻ cho chính đứa trẻ. Người lớn phóng nhanh nên khi thắng gấp thì trẻ bị văng về phía trước hay đập đầu vào đầu xe gây thương tích có thể nặng hoặc nhẹ, có khi tử vong.

An toàn xung quanh ngôi nhà

Ba mẹ cần tạo mọi điều kiện cho con được học bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước và kỹ năng cứu đuối.
Ba mẹ cần tạo mọi điều kiện cho con được học bơi, học kỹ năng tồn tại dưới nước và kỹ năng cứu đuối.

Trẻ không biết bơi nên dễ bị đuối nước, trẻ bị ong đốt, bị phỏng, bị điện giật hoặc người lớn lái xe không an toàn gây tai nạn cho trẻ… là những nguyên nhân thường thấy. Hàng năm, đặc biệt là vào những tháng hè, khi trẻ được nghỉ học, tỷ lệ bị TNTT tăng cao.

Nhiều con vật, kể cả những vật nuôi trong nhà đều có thể gây tai nạn cho trẻ nếu người lớn không cảnh giác và trông chừng chúng. Động vật cắn, húc rất nguy hiểm bởi có thể gây đau, nhiễm trùng, sốc và có thể dẫn đến tử vong.

Ba mẹ lưu ý không bao giờ để cho trẻ ở một mình với động vật, ngay cả đó là vật nuôi trong nhà; dạy bé cần cẩn thận khi các con vật đang ăn hoặc đang ngủ.

Đến chích ngừa tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bên chân trái băng bó, em Nguyễn Tấn Hoàng (6 tuổi, xã Mỹ An- Mang Thít) kể: “Con chó nhà mới đẻ nên nó dữ quá, nó táp vô chân con chảy máu. Ba dẫn con lại trạm băng vết thương rồi chở con ra đây chích ngừa nè. Ba con xích con chó lại luôn rồi”.

Các nguyên nhân tử vong hay gây thương tích cho trẻ do tai nạn tại nhà, gồm: cháy nổ, ngạt thở, ngạt nước, hóc dị vật, bị nhiễm độc,…

Do vậy, chúng ta hãy giảm thiểu nguy cơ rủi ro xuống mức thấp nhất, bằng cách sắp xếp lại ngôi nhà của mình, để nó an toàn cho bé yêu?

Các vật dụng chứa nước có nắp đậy chắc chắn, an toàn. Có bếp riêng, có cửa chắn và cửa ra vào an toàn đề phòng trẻ bị phỏng. Phích nước nóng phải để nơi an toàn, trẻ em không sờ, với tới được. Ổ điện để lên cao, an toàn nơi trẻ em không với tới được đề phòng điện giật.

Đặt tủ thuốc ngoài tầm với của trẻ; dụng cụ đựng hóa chất như: thuốc trừ sâu, axít, chất tẩy rửa… phải có nhãn rõ ràng và để trên giá cao hoặc tủ có khóa đảm bảo để trẻ không thể nhìn hoặc sờ được.

Cầu thang, ban công phải có tay vịn, rào chắn an toàn để phòng tránh ngã cho trẻ em. Không để trẻ nhỏ chơi các vật dễ nuốt, đề phòng hóc nghẹn đường thở.

Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.

Khi trẻ đi bơi, người lớn cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 6.500-7.000 người bị chết đuối, trong đó hơn 50% là trẻ em. Con số này cao gấp 8-10 lần so với các nước đang phát triển. Nguyên nhân là do tai nạn đường thủy; sơ ý bị rơi xuống nước; trẻ em đi tắm biển, sông, hồ... không có người lớn đi cùng hoặc rơi xuống hố công trình xây dựng... Đặc biệt, đại bộ phận những người chết đuối là do không biết bơi.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG