Cần quản lý chặt giá điện ở nhà trọ

Cập nhật, 16:29, Thứ Tư, 13/05/2015 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đô thị là nơi tập trung dân cư đông đúc nên lượng người thuê trọ cũng rất đông. Tuy nhiên, ngoài tiền thuê phòng, người ở trọ còn đau đầu với khoản chi trả tiền điện. Đặc biệt, sau khi có quyết định tăng giá điện lên 7,5%, nhiều chủ nhà trọ còn “té nước theo mưa”.

Người thuê trọ chật vật với chi phí về điện.
Người thuê trọ chật vật với chi phí về điện.

Người thuê trọ ngán tiền điện

Anh Nguyễn Văn N. (Mang Thít)- đang ở một khu nhà trọ ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) cho biết, gia đình anh ở trọ gần 6 năm nay, định dành dụm một số vốn để mua nhà nhưng chưa làm được. Anh N. bộc bạch: Cả gia đình 4 người chỉ có mình anh đi làm, lương 5- 6 triệu đồng/tháng. Trong khi, ở nhà trọ, tiền điện, nước đều mắc hơn so với giá bán cho các hộ gia đình. Vợ anh N. nói thêm: Gần đây, trời nóng nực quá, 2 đứa nhỏ khó ngủ, đổ mồ hôi, cựa mình liên tục, vợ chồng tui định lắp máy lạnh nhưng “tính rồi lại thôi”. Vì hiện chỉ sử dụng máy quạt, nồi cơm, ấm nước điện, đèn mà đã tốn khoảng 150.000 đ/tháng, nếu có thêm máy lạnh thì hàng tháng phải tốn thêm vài trăm ngàn tiền điện nữa nên… ngán!

Tương tự, chị Thái Thanh Hiền ở trọ Phường 8 (TP Vĩnh Long) cũng đang phân vân chuyện lắp máy lạnh. Chị Hiền nói: Tiền điện nhà trọ tới 3.000 đ/kWh, hàng tháng phải tốn gần cả 100.000đ, nếu lắp máy lạnh chi phí sẽ đội lên gấp đôi, gấp 3 nên chắc đành xài đỡ máy quạt thôi.

Chị Lê Thị Mai Thi (Vũng Liêm)- công nhân viên nhà nước ở trọ Phường 2 (TP Vĩnh Long) cho biết: Đầu tháng 5, chủ nhà trọ vừa thông báo tăng tiền điện từ 3.000 đ/kWh lên 4.000 đ/kWh với lý do “tăng theo giá nhà nước”.

Cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh giá bán lẻ điện, đặc biệt đối với các chủ nhà trọ phải thực hiện thu tiền điện theo giá quy định hiện hành.
Cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh giá bán lẻ điện, đặc biệt đối với các chủ nhà trọ phải thực hiện thu tiền điện theo giá quy định hiện hành.

Chị Mai Thi cho biết thêm: chị xài quạt, nồi cơm điện, bàn ủi, máy lạnh… bình quân hơn 100 kWh/tháng. Cộng thêm tiền trọ 700.000 đ/tháng, tiền nước khoảng 40.000 đ/tháng (giá 8.000 đ/m3). Gộp chung lại, phải tốn khoảng 1.200.000 đ/tháng tiền trọ. Tính ra, riêng tiền điện đã tốn tới 400.000- 500.000đ. Chị Mai Thi dự định, cuối tháng này chị sẽ dời sang chỗ trọ mới có giá điện rẻ hơn. Còn người bạn ở trọ gần đó mới khổ. Chị làm nghề may đồ thuê, lương 4- 5 triệu đồng/tháng, chồng đang thất nghiệp, có 2 con. Hàng tháng chị cũng tốn ngót ngét khoảng 1,2 triệu đồng tiền trọ, tuy chỉ xài những vật dụng thiết yếu như nấu cơm, máy quạt nhưng đã tốn tới mấy trăm ngàn tiền điện/tháng, chưa kể tiền ăn uống, cho con đi học nên cuộc sống rất chật vật.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở các phường nội ô TP Vĩnh Long, giá điện nhà trọ hiện phổ biến ở mức 3.000- 4.000 đ/kWh, nước 8.000 đ/m3.

Cần tăng cường kiểm tra

Thời gian qua, cơ quan quản lý việc mua bán điện của tỉnh đã thành lập nhiều đoàn thực hiện giám sát, kiểm tra, theo dõi giá bán điện của nhà trọ trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là tại TP Vĩnh Long, quanh Khu công nghiệp Hòa Phú và một số thị trấn. Qua kiểm tra, giám sát đa số các chủ nhà trọ đều thực hiện đúng theo tinh thần hướng dẫn của ngành điện, có đăng ký mẫu biểu của ngành điện và thực hiện thu tiền điện theo giá quy định hiện hành. Tuy nhiên, cũng còn một số chủ nhà trọ tự ý nâng cao giá tiền điện đối với người thuê trọ và không đăng ký theo đúng hướng dẫn của ngành điện. Các trường hợp này đã được nhắc nhở, lập biên bản, buộc cam kết thực hiện theo đúng quy định.

Nhìn chung, tình hình cung ứng và sử dụng điện cho khu vực nhà trọ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và đi vào nề nếp do có sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước. Sự phối kết hợp với chính quyền địa phương đã thường xuyên, kịp thời phổ biến, kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn các chủ nhà trọ thực hiện đúng theo tinh thần quyết định về việc sử dụng định mức đối với người thuê trọ và các quy định hiện hành liên quan tới ngành điện.

Mặt khác, ngành điện cũng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra công tác an toàn điện để kịp thời phát hiện những trường hợp không an toàn hoặc quá tải trong sử dụng điện gây nguy hiểm đến người sử dụng điện.

Theo cơ quan quản lý, đối với các nhà trọ bán điện cho người thuê trọ với giá 3.000- 4.000 đ/kWh từ kWh đầu tiên là sai quy định. Thiết nghĩ, cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh giá bán điện. Những trường hợp sai phạm phải nhắc nhở, lập biên bản, cam kết không vi phạm, xử phạt theo quy định, thậm chí ngừng cung cấp điện.

Quyết định của Bộ Công thương về biểu giá bán lẻ điện, sau khi Thủ tướng cho phép tăng giá điện thêm 7,5% từ 16/3/2015, quy định giá bán lẻ cho các hộ sử dụng ở các mức khác nhau. Theo đó, hộ dùng ở mức 1.484 đồng/kWh đối với bậc 1 (từ 0- 50kWh), tăng 96đ so với biểu giá hiện hành; 1.533đ đối với mức sử dụng 51- 100kWh, tăng 100đ; 1.786 đ/kWh đối với mức 101- 200kWh, tăng 126đ; 2.242 đ/kWh đối với mức 201- 300 kWh, tăng 160đ; 2.503 đ/kWh đối với mức từ 301- 400kWh, tăng 179đ và 2.587 đ/kWh đối với mức từ 401kWh trở lên, tăng 188đ.

Như vậy, với mức sử dụng dưới 50kWh, người dân sẽ phải trả thêm tối đa là 4.800 đ/tháng; đối với mức sử dụng dưới 100kWh, mức tăng sẽ không quá 9.800 đ/tháng; mức sử dụng dưới 200kWh, mức tăng không quá 22.400 đ/tháng; mức sử dụng dưới 300kWh, mức tăng không quá 38.400 đ/tháng; mức sử dụng dưới 400kWh, mức tăng sẽ không quá 57.200 đ/tháng.

Bài, ảnh: LÊ SƠN- NAM ANH