Giá điện, nước tăng- chất lượng phục vụ phải tăng theo

Cập nhật, 09:03, Thứ Năm, 05/07/2012 (GMT+7)


Giá điện mới tăng không ảnh hưởng nhiều đến DN sử dụng điện ít.

Giá điện, nước sẽ bắt đầu tăng trong tháng 7 này. Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc kinh tế còn chưa kịp phục hồi, tình hình sản xuất chưa ổn định thì điện, nước tăng lúc này khiến các doanh nghiệp (DN) thêm phần khó…

Đồng loạt tăng

Về giá điện, điện sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh đồng loạt được điều chỉnh, với mức tăng bình quân 65đ, tương đương 5% lên bình quân 1.369 đ/kWh (chưa bao gồm VAT). Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc cao nhất là 2.192đ (mức cũ là 2.060đ). Giá điện sản xuất cao nhất áp dụng từ 1/7 sẽ là 2.306đ, tăng 281đ. Còn giá điện kinh doanh ở hạng mục đắt nhất sẽ là 3.539 đ/kWh, tăng 170đ. Riêng giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp giữ nguyên 993đ.

Theo ghi nhận, sau khi điều chỉnh giá điện tăng vào tháng 3/2011, giá điện tiếp tục tăng lần 2 trong năm vào ngày 20/12/2011, lên 1.304 đ/kWh, tăng 62đ, tương đương với 5% (so với lần tăng tháng 3). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhiều lần “nhấp nhổm” đòi tăng giá. Và đúng theo “nguyện vọng”, giá điện mới sẽ được tính bắt đầu từ ngày 1/7 này. EVN cũng cho biết, sau khi tăng giá, doanh thu bán điện của EVN dự kiến tăng thêm 3.710 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng điện thương phẩm từ 1/7 đến 31/12, tương đương gần 57 tỷ kWh.

Bên cạnh giá điện tăng, hiện giá nước cũng đang “rục rịch” tăng theo. Theo Bộ Tài chính, khung giá nước mới quy định giá nước tối thiểu tại đô thị đặc biệt, đô thị loại I sẽ tăng từ 3.000 lên 3.500 đ/m3, mức tối đa có thể lên tới 18.000đ. Cụ thể, tại các đô thị loại II, III, IV và V, giá nước tối thiểu và tối đa đều tăng thêm khoảng 50%, lên các mức 3.000 và 15.000 đ/m3. Giá tối thiểu để có nước sạch tại nông thôn cũng tăng từ mức 1.000đ hiện tại lên 2.000 đ/m3, trong khi giá bán tối đa tại khu vực này là 11.000đ. Với khung giá này, UBND các tỉnh, thành phố sẽ quyết định mức giá tiêu thụ cụ thể, phù hợp với địa phương mình…

Tăng có đúng thời điểm?

Đánh giá về đợt tăng giá mới của điện, nước lần này, nhiều DN cho rằng, tuy sẽ ít ảnh hưởng đến các DN, hộ sử dụng ít nhưng sẽ là “rất đau khổ” cho các DN sử dụng nhiều. Theo ông Huỳnh Dân Tâm- Giám đốc DNTN Cơ khí & Thương mại Tâm Hữu Tín, hiện DN mỗi tháng chỉ đóng khoảng 6- 8 triệu đồng tiền điện nên nếu tăng 5% cũng không đáng ngại. “Do hoạt động theo dịch vụ, máy móc không cần phải chạy suốt nên cũng không lo lắm chuyện tiền điện. Tuy nhiên, riêng DN cũng không đồng tình về việc giá điện tăng lần này. Trong khi giá xăng, dầu vừa giảm, người dân chưa kịp mừng thì giá điện lại tăng lên- nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn- rồi cứ bảo không ảnh hưởng nhiều. Nhưng người dân, DN không khỏi nặng lo… Theo tôi nghĩ, giá điện không nên tăng vào thời điểm này.”

Trong khi đó, ông Bùi Lê Hữu Thọ- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP May Hoa Mai (Mang Thít) cho rằng: Hiện giá điện tăng lên 5% cũng không ảnh hưởng nhiều đến DN trong ngành may nhưng sẽ là một “bài toán hóc búa” đối với các DN ngành khác. Đơn cử như ngành chế biến thủy sản, mỗi tháng hóa đơn tiền điện có thể lên đến con số vài trăm triệu đến cả tỷ đồng… Tuy nhiên, DN cũng không thể vì giá tăng mà hạn chế sử dụng hoặc sản xuất ít lại mà làm sao để có hiệu quả. “Bên cạnh tôi cũng xin nói rằng, điện tăng thì tăng, nhưng chất lượng điện phải đảm bảo. Ngành điện phải cho thấy được khi giá điện tăng thì chất lượng cũng phải tăng theo. Có như thế mới công bằng, đảm bảo được sự đồng tình của dư luận”.

Trái với một số DN vừa và nhỏ, sử dụng điện, nước ít thì nhiều DN lớn, nhất là trong ngành sản xuất đang phải “đau đầu” tính phương án đảm bảo cân đối chi tiêu. Theo quản lý của một DN sản xuất nước đá ở TP Vĩnh Long, mỗi tháng DN phải trả từ 100- 150 triệu đồng tiền điện. Nếu chậm thanh toán thì ngành điện cắt ngay. Như vậy, với số tăng 5% thì mỗi tháng, chi phí phải tăng lên từ 5- 7,5 triệu đồng. Nếu sử dụng số tiền này, có thể bù lỗ cho khó khăn hoặc có thể trả lương được 2- 3 lao động phổ thông. “Tình hình sản xuất đang trong giai đoạn khó khăn, cạnh tranh thì gay gắt. Đó là chưa kể đến chi phí sử dụng nước… Giá thành sản xuất sẽ bị đội lên trong khi giá bán không thể nào tăng lên được.”

Giá điện nước tăng thì cũng đã tăng. Tuy nhiên, vấn đề cần nhất hiện nay là chất lượng phục vụ, dịch vụ của ngành điện, ngành nước có tăng lên ngang tầm với giá tiền người sử dụng điện, nước phải bỏ ra hay không? Câu hỏi này đang là nỗi trăn trở và cũng là mong chờ của nhiều DN, nhiều người.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY