Doanh nghiệp sản xuất với áp lực tăng giá điện

Cập nhật, 06:05, Thứ Ba, 25/06/2013 (GMT+7)


Giá điện tăng sẽ tác động lớn đến nhiều doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là ngành hàng sắt thép, xi măng.

Theo dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới của Bộ Công thương (dự kiến sẽ thực hiện từ ngày 1/7/2013), giá điện cho ngành sản xuất sắt thép, xi măng dự kiến sẽ cao hơn từ 2- 16%. Cụ thể, giá điện vào giờ bình thường và thấp điểm sẽ thấp hơn giá điện bình quân, nhưng vào giờ cao điểm được tính bằng 160- 187% giá điện bình quân, tùy theo cấp điện áp.

Việc áp giá điện riêng cho 2 ngành trên, theo Bộ Công thương, nhằm chấm dứt tình trạng bù chéo điện sinh hoạt cho điện sản xuất, do hiện nay các hộ kinh doanh đang trả giá rất cao so với ngành sản xuất.

Ông Lương Thanh Bình- Giám đốc Điều hành Công ty Liên doanh Xi măng Việt Hoa (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) cho biết: Trong khi các nguyên liệu đầu vào đều tăng lại cộng với việc tăng giá điện đã tạo một áp lực lớn đến giá thành sản xuất. Ngoài doanh nghiệp (DN) chịu ảnh hưởng thì áp lực lên người tiêu dùng cũng sẽ tăng cao.

Giá thành sản xuất tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cạnh tranh, mở rộng sản xuất vì giá điện tăng kéo theo giá thành sản xuất tăng khiến giá bán tăng theo. Nếu DN có công nghệ tốt hơn, giữ vững giá, chấp nhận mức lãi ít hơn thì vẫn tồn tại.

Cũng theo ông Lương Thanh Bình, với nhu cầu đáp ứng kịp thời những đơn hàng thì DN khó tránh việc sản xuất vào những giờ cao điểm.

Để tiết giảm tối đa lượng điện năng tiêu thụ nhưng vẫn đảm bảo năng suất, thời gian qua, DN đã sử dụng đèn compact để chiếu sáng, dùng thiết bị biến tần, thay đổi các thiết bị đã cũ tiêu hao điện năng lớn sang những thiết bị tiêu thụ điện năng thấp hơn. Tuy nhiên, việc thay thế đồng bộ các thiết bị là rất khó vì chi phí sẽ rất cao. Để “né” giờ cao điểm, DN bố trí sản xuất vào ngày chủ nhật vì ngày này có chi phí điện rẻ hơn.


Tăng giá điện khiến giá thành sản xuất tăng theo, cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng chịu ảnh hưởng.

Ông Lương Thanh Bình cũng cho rằng, việc áp giá điện mới nhằm chấm dứt tình trạng bù chéo điện sinh hoạt cho điện sản xuất, cho thấy sự công bằng giữa các đối tượng sử dụng điện và áp giá điện tăng vào giờ cao điểm cũng là điều hợp lý.

Nhưng áp dụng trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì các DN lại chịu một áp lực lớn, vì nhà sản xuất thì sử dụng điện nhiều hơn. Về lâu dài, ngành điện cần tạo nguồn cung điện năng dồi dào để DN dễ thở hơn với khoản chi phí điện trong quá trình
sản xuất.

Ông Phan Thanh Hùng- Phó Giám đốc Xí nghiệp Xi măng 406, thuộc Công ty TNHH MTV 622, Quân khu 9, Bộ Quốc phòng (phường Thành Phước- TX Bình Minh) cho rằng: Tăng giá điện sẽ tác động trực tiếp đến DN sản xuất.

Đối với DN lớn, công nghệ hiện đại thì cầm cự được, riêng những DN nhỏ và vừa thì sẽ rất khó khăn. Hiện hầu hết các khâu sản xuất của Xí nghiệp Xi măng 406 đều có sử dụng điện. Do đó, DN luôn chú trọng bố trí sản xuất vào giờ thấp điểm.

Kinh nghiệm của ông Phan Thanh Hùng: Để tiết kiệm điện, phải đảm bảo hệ thống vận hành liên tục, hạn chế khởi động lại máy vì việc làm này sẽ tiêu tốn điện năng rất cao. Bên cạnh, cần hạn chế tối đa việc sử dụng điện mọi lúc mọi nơi. Đối với những nơi đảm bảo ánh sáng thì không sử dụng đèn cao áp. Hiện DN đã tiết kiệm điện gần như đến giới hạn cuối cùng và khó có khả năng tiết kiệm điện thêm.

Là một đơn vị thành viên của Công ty TNHH MTV 622 (thuộc Quân khu 9, Bộ Quốc phòng), Xí nghiệp Xi măng 406 có lợi thế trong việc cung ứng sản phẩm cho các công trình thuộc quân khu.

Tuy nhiên, việc tăng giá điện sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị. Qua đó, ông Phan Thanh Hùng kiến nghị xem xét lại việc tăng giá điện cho phù hợp hơn vì với mức giá tăng như vậy vẫn còn cao, gây khó cho nhà sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

Theo dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới của Bộ Công thương, giá điện cho sản xuất tùy thời điểm sử dụng sẽ tăng từ 2- 7%; giá bán lẻ điện cho kinh doanh được đề xuất giảm 5% trong giờ bình thường, giảm 3% vào giờ thấp điểm và 8% vào giờ cao điểm cho các cấp điện áp so với biểu giá bán lẻ điện hiện hành.

Sẽ áp dụng giá điện thống nhất toàn quốc cho các nhóm khách hàng sử dụng điện tại những khu vực nối lưới điện quốc gia và các khách hàng sử dụng điện tại nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia.


Bài, ảnh: LÊ SƠN