Xã Trung Hiệp đổi mới, phát triển

Cập nhật, 22:24, Thứ Tư, 23/11/2022 (GMT+7)
Cơ sở hạ tầng của xã Trung Hiệp được đầu tư hoàn thiện.
Cơ sở hạ tầng của xã Trung Hiệp được đầu tư hoàn thiện.
Xã Trung Hiệp (Vũng Liêm) là quê hương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tiếp nối truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng địa phương ngày càng đổi mới, phát triển.
 
Phát triển kinh tế
 
Người dân xã Trung Hiệp vẫn nhớ hoài hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những lần về thăm quê. Trong câu chuyện với bà con họ hàng, người dân địa phương, ông dành thời gian tìm hiểu đời sống, gợi mở nhiều cách làm ăn hiệu quả, nhờ vậy mà kinh tế địa phương ngày càng khấm khá. Mô hình nuôi bò, trồng nấm rơm hình thành và phát triển đến nay cũng từ gợi ý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp Trần Văn Phần nhớ lại: Giai đoạn 1995 - 2000, địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng yếu kém, thu nhập chủ yếu của người dân nhờ trồng lúa. Những lần về thăm quê, nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội địa phương và đi thực tế hỏi han chuyện làm ăn của bà con, thấy cuối vụ rơm rạ nhiều mà đốt bỏ uổng quá, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gợi ý bà con trữ lại để dành nuôi bò, trồng nấm rơm. Từ vài hộ ban đầu phát triển rộng ra toàn xã, người này làm ăn hiệu quả, người khác thấy vậy cũng học hỏi làm theo, mô hình vì thế ngày càng “nở nồi”, nhiều nhà nhờ đó mà khá lên thấy rõ.
 
Theo UBND xã Trung Hiệp, hiện tổng đàn bò toàn xã gần 2.800 con, rải đều các ấp. Anh Nguyễn Hồng Nâu - Chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng là một nông dân tiêu biểu ở địa phương. Ngoài công việc ở xã, thời gian còn lại anh tích cực cải tạo vườn, lên liếp trồng bưởi, xây chuồng trại kiên cố nuôi bò cải thiện thu nhập. “Mình phải gương mẫu để bà con hưởng ứng, vừa cải thiện thu nhập gia đình, vừa tích lũy kinh nghiệm để hỗ trợ bà con khi cần. Điều này cũng là nguyện vọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời, là bà con phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, chí thú làm ăn, góp phần xây dựng quê hương” - anh Nâu nói. 
 
Cũng theo UBND xã Trung Hiệp, toàn xã có hơn 50 hộ tham gia trồng nấm rơm thường xuyên. Hiện giá nấm rơm duy trì ổn định ở mức 40.000 - 50.000 đ/kg, cao điểm vào các ngày lễ, tết, rằm, giá có thể “đội giá” lên 100.000 đ/kg, đảm bảo nông dân lời ngon, sống khỏe.
 
Bên cạnh các mô hình vừa nêu, theo ông Dương Thanh Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Trung Hiệp, với phương châm “lấy phát triển kinh tế làm đòn bẩy để xây dựng NTM”, xã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhất là phát triển nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện xã có 3 HTX lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù vừa trải qua ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng với tinh thần vượt khó, các HTX đang trên đà phục hồi, từng bước sản xuất, kinh doanh ổn định.
 
Ngoài ra xã còn 4 tổ hợp tác và 4 trang trại hoạt động hiệu quả và duy trì một số mô hình như: Tổ đan lác của chị em phụ nữ ở ấp Trung Hưng và ấp Rạch Nưng; tổ hợp tác nuôi gà thả vườn ở ấp Rạch Ngay và ấp Mướp Sát; mô hình ứng dụng công nghệ cao trên cây bưởi da xanh ở ấp Rạch Nưng,… góp phần giải “bài toán” thu nhập. Ông Dương Thanh Tuấn phấn khởi cho biết: Năm 2022, ước thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 64,1 triệu đồng, tăng 12,49% so năm trước và đạt 124,7% so nghị quyết.
 
Xây dựng NTM
 
Xã Trung Hiệp bắt đầu xây dựng NTM với nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến năm 2017 xã đã “về đích” và đạt NTM nâng cao 3 năm sau đó. Theo ông Dương Thanh Tuấn, kinh nghiệm của địa phương là “tiêu chí dễ thực hiện trước, tiêu chí khó làm sau” và “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.
 
Nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư cùng với sự đóng góp của Nhân dân trong công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm mà đến nay hệ thống thủy lợi được khép kín và tưới tiêu chủ động gần 100%, đê bao xây dựng kết hợp giao thông nông thôn góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, chống ngập, ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. 100% đường liên xã, liên ấp có hệ thống chiếu sáng, giúp bà con đi lại dễ dàng, hạn chế tai nạn giao thông. Tỷ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt gần 100%.
 
Phát huy thành tích đạt được, năm 2021, xã chọn ấp Mướp Sát xây NTM kiểu mẫu. Mướp Sát là ấp thuần nông, đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 72%. Nhưng với sự nỗ lực và nhiều cách làm sáng tạo của Ban Vận động ấp mà bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
 
Đầu tháng 7/2022, Ban Vận động xây dựng NTM ấp Mướp Sát đã long trọng tổ chức lễ công bố ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
 
Đạt được thành tích này, chi bộ ấp thực hiện phương châm “lấy phát triển kinh tế làm đòn bẩy”, trong đó vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện ấp có 8,5ha dừa xen tắc, hơn 200ha cam và 6 trang trại nuôi gà thịt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 76,79 triệu đồng/năm, tăng 25,88 triệu đồng so năm 2020.
 
Công trình cải tạo, mở rộng đường liên xã Trung Hiệp - Trung Hiếu vừa được khánh thành nhằm chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Công trình cải tạo, mở rộng đường liên xã Trung Hiệp - Trung Hiếu vừa được khánh thành nhằm chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 
Theo ông Dương Thanh Tuấn, trong triển khai và tổ chức thực hiện xây dựng NTM luôn nhận được sự đồng thuận của nhân dân, nhất là trong vận động xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng. Từ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện và nâng lên theo từng năm.
 
Đây cũng là nền tảng vững chắc để địa phương tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH