Giám sát là khâu trọng tâm, then chốt

Cập nhật, 09:41, Thứ Sáu, 23/12/2022 (GMT+7)

Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội vừa tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Hội nghị nhằm tìm các giải pháp giúp cho các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để thực hiện tốt chức năng giám sát nói chung và giám sát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng, góp phần vào thành tựu chung trong hoạt động giám sát của Quốc hội.

Giám sát là một trong những chức năng mà Hiến pháp giao trách nhiệm cho Quốc hội, cơ quan giám sát tối cao, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Để thực hiện nội dung này, Đảng đoàn Quốc hội trong mỗi nhiệm kỳ đều ban hành kế hoạch hành động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội cả về lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, công tác đối ngoại… trong đó việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát luôn là khâu trọng tâm, then chốt.

Tuy nhiên, thời gian qua trong việc thực thi pháp luật vẫn còn tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn từ nghị định cho đến thông tư hoặc không ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua kiểm tra cho thấy, vẫn còn tình trạng nghị định quy định những vấn đề mà trong luật không đặt ra, hoặc quy định còn vượt ra khuôn khổ quy định của pháp luật hoặc sai các quy định của pháp luật. Một số văn bản không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng điều chỉnh cả những văn bản quy phạm pháp luật. Hàng năm, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện không ít trường hợp vi phạm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật này.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, những vi phạm trong lĩnh vực văn bản này như chậm tiến độ, quy định các vấn đề chồng chéo, sai quy định pháp luật… vừa gây cản trở, ách tắc, vừa gây lãng phí, thất thoát trong các lĩnh vực, thậm chí liên quan tới tham nhũng, tiêu cực. Có lỗi là vô tình, có lỗi là cố ý, mà cố ý chính là tham nhũng chính sách.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc thượng tôn pháp luật phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên, tới đây các cơ quan Quốc hội phải chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch để thực hiện tốt công tác giám sát và tổ chức thực thi pháp luật. Đồng thời cần mở rộng, gắn chặt giám sát văn bản quy phạm pháp luật với giám sát việc thực hiện chính sách.

Nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là những người đứng đầu, những người liên quan trực tiếp với văn bản để tạo chuyển biến thực sự, giảm thiểu, hạn chế, khắc phục căn cơ cho vấn đề này.

AN NHIÊN