Phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương

Cập nhật, 05:49, Thứ Ba, 04/10/2022 (GMT+7)

(VLO) Tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, thông tin về việc cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) nghỉ việc ở nhiều bộ, ngành, địa phương nổi lên và là vấn đề dư luận xã hội quan tâm.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 39.500 cán bộ, CCVC nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao.

Trong tổng số người nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là hơn 12.000 người. Trong tổng số cán bộ, CCVC nghỉ việc nêu trên, các cơ quan Trung ương chiếm 18%, còn lại là ở các địa phương.

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, nguyên nhân cơ bản của tình trạng này do chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ mặc dù đã có cải thiện nhưng nhìn chung còn thấp, không có cơ hội để tăng thêm thu nhập.

CCVC xin nghỉ việc không phải là câu chuyện mới, nhưng thực tế lại khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi hiện tượng chuyển từ công sang tư đang có xu hướng tăng lên.

Theo các chuyên gia, chúng ta phải mất rất nhiều năm mới đào tạo được một cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn cao nhưng cuối cùng họ lại dứt áo ra đi. Đó là chuyện đáng buồn. Vấn đề là làm sao để giữ chân được đội ngũ này, nhất là những người có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn cao?

Các chuyên gia đề xuất, muốn giữ được người lao động trong khu vực công thì phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, phải đảm bảo thu nhập của người lao động có mức sống khá đối với công sức bỏ ra.

Đồng thời, phải có biện pháp đánh giá CCVC một cách khách quan, minh bạch dựa trên kết quả họ đạt được trong quá trình làm việc và có chế độ khen thưởng xứng đáng, không cào bằng.

Ngoài ra, môi trường làm việc tốt cũng là một trong những điều hết sức quan trọng cho việc giữ người lao động có năng lực làm việc tại khu vực công. Và muốn xây dựng môi trường làm việc tốt thì trước hết phải xây dựng văn hóa công sở, văn hóa tổ chức cho thật tốt.

Cùng với đó, thực hiện đánh giá CCVC một cách khách quan, khoa học, minh bạch, công bằng, đánh giá phải thông qua kết quả công việc được giao. Kết quả đánh giá đó là căn cứ để khen thưởng, đề bạt và tạo cơ hội phát triển, không vì mối quan hệ cá nhân mà đánh giá thiên lệch.

AN NHIÊN