Giám sát các vấn đề quốc kế dân sinh

Cập nhật, 08:41, Thứ Tư, 28/09/2022 (GMT+7)

Ngày 27/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, nhằm triển khai Nghị quyết số 47 về Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 23 về Chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, về hoạt động giám sát chuyên đề năm 2023, Quốc hội giám sát 2 chuyên đề: “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” và “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016- 2021”.

Những vấn đề được lựa chọn giám sát là các vấn đề nóng được cử tri và Nhân dân quan tâm, đồng thời liên quan đến quốc kế dân sinh, chăm lo công tác an sinh xã hội và khắc phục hậu quả hậu COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Theo Thượng tướng Trần Quang Phương- Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng với nhiệm vụ xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao của Quốc hội góp phần quan trọng vào việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; khắc phục các hạn chế trong khâu tổ chức thực hiện. Và tinh thần xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay là tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trong đó đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt.

Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát phải trên tinh thần hết sức xây dựng; giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để, cấp bách; phải phát huy được những mô hình tốt, những cách làm hay; đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn. Quốc hội luôn tự đổi mới chính bản thân mình, do vậy, mỗi cơ quan của Quốc hội phải thực hiện tốt tự giám sát, mỗi đại biểu Quốc hội phải tự mình kiểm soát hoạt động của chính mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trước cử tri.

AN NHIÊN