Chưa đủ độ chín, chưa đưa vào luật

Cập nhật, 09:22, Thứ Ba, 27/09/2022 (GMT+7)

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật. Những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Luật Đất đai nằm ở trung tâm việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, có nhiều nội dung giao thoa với các bộ luật khác. Tính ổn định của Luật Đất đai quyết định tính ổn định của tình hình chính trị, xã hội, chất lượng thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước, Nhân dân, doanh nghiệp rất quan tâm đến việc sửa đổi luật lần này. Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai đã có những vấn đề bất cập, một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hóa chính sách để đảm bảo đồng bộ, khả thi và hiệu quả.

Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp năm 2013 vào dự thảo luật. Đồng thời, tập trung rà soát các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất để tạo không gian mới, động lực mới cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh và giảm tối đa thủ tục hành chính về đất đai.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Về quan điểm xây dựng luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt, được Trung ương khẳng định.

Việc sửa đổi, bổ sung các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải đảm bảo tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của từng chủ thể. Quá trình xây dựng luật cần tách bạch quan hệ đất đai mang tính chất công với quan hệ đất đai mang tính chất tư.

AN NHIÊN