Chủ động ngăn sốt xuất huyết

Cập nhật, 06:56, Thứ Tư, 15/06/2022 (GMT+7)

 

Khi trẻ hoặc người lớn sốt đến ngày thứ 2, uống thuốc hạ sốt mà không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Khi trẻ hoặc người lớn sốt đến ngày thứ 2, uống thuốc hạ sốt mà không hạ, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận hơn 39.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện, trong đó 36 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc SXH tăng gần gấp đôi. Đặc biệt, số ca mắc trong 1 tháng qua chiếm gần một nửa số ca mắc và 45% tổng số ca tử vong từ đầu năm đến nay.

SXH tăng nhanh

Lý giải về nguyên nhân gia tăng SXH thời gian qua, tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống SXH khu vực miền Nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 13/6, bác sĩ (BS) Lương Chấn Quang- Trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh- Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều địa phương không triển khai được hoạt động kiểm soát véc tơ truyền bệnh, thiếu mức chi tiền công diệt lăng quăng, phun hóa chất, không được duyệt kinh phí, hóa chất, máy phun không đủ,…

Theo BS Lương Chấn Quang, dự báo thời gian tới, số ca mắc SXH và số ca tử vong tiếp tục tăng nếu không có giải pháp kịp thời. Các tỉnh- thành cần tham mưu lãnh đạo địa phương tăng cường phòng chống SXH. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về mức chi, ban hành kế hoạch phòng chống SXH; đồng thời lập các đoàn kiểm tra giám sát, các điểm ngoài điểm nóng đoàn kiểm tra giám sát không đến nơi. Để giảm số ca tử vong do SXH, cần thành lập tổ nhóm trong bệnh viện, hỗ trợ các BS, điều dưỡng mới, đảm bảo an toàn chuyển viện, huấn luyện dịch tễ.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, các địa phương cần tham mưu cho các ban ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế triển khai, giám sát, truyền thông phòng chống SXH. Đối với các địa phương thiếu thuốc và dịch truyền, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sẽ yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Cục Quản lý Dược giải quyết khẩn trương việc mua thuốc, dịch truyền để cung cấp cho các tỉnh- thành; tăng cường đào tạo công tác điều trị cho các cơ sở y tế.

BS chuyên khoa 2 Trần Chí Công- Phó Khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết, bệnh SXH thường gặp chủ yếu ở trẻ em, nhất là độ tuổi từ 5- 15 và có xu hướng mắc nhiều cả người lớn. Bệnh diễn tiến từ 2- 7 ngày. Ở trẻ càng nhỏ thì khả năng chuyển nặng càng cao, do bé chưa biết nói nên người nhà khó có thể theo dõi những dấu hiệu. Trong 2 ngày đầu, có thể trẻ sốt cao, qua ngày thứ 3 trở đi, tình trạng sốt giảm dần và hết sốt, tuy nhiên trong giai đoạn này bệnh có thể diễn tiến nặng, có thể sốc, rất nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh nên lưu ý trong giai đoạn này, cần thường xuyên theo dõi sức khỏe trẻ, nếu trẻ lười ăn, không chịu chơi, đau bụng, nôn ói nhiều… thì nên đưa trẻ đến khám ngay để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị, tránh tình trạng diễn tiến nặng và dẫn đến tử vong.

Vĩnh Long chủ động phòng chống bệnh SXH

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, số ca mắc SXH tại Vĩnh Long tính đến ngày 5/6 là gần 300 ca với 71 ổ dịch, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 2,9%. Riêng số ca nặng là 15 ca, tỷ lệ ca nặng/số ca mắc là 5%. So với cùng kỳ năm 2021, tỷ lệ ca nặng/số mắc tăng gấp 5 lần (1,6%). Đáng lưu ý, số ca mắc đang tăng nhanh, riêng trong tháng 5 ghi nhận 169 ca, cao nhất trong 5 năm gần đây. “Hiện SXH vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Để ngăn dịch bùng phát, việc chủ động cắt đứt nguồn lây nhiễm được xem là biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất. Trong đó, ý thức của người dân có vai trò rất quan trọng”- Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc CDC tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, mặc dù đến nay số ca mắc SXH có giảm so với cùng kỳ năm 2021, song qua các hệ thống giám sát quần thể muỗi và lăng quăng thì các chỉ số có chiều hướng tăng lên, đây là các điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, một bộ phận người dân còn tâm lý chủ quan, chưa tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt nên nguy cơ phát sinh bệnh là rất cao.

Dự báo tình hình bệnh SXH có khả năng tăng cao trong thời gian tới, CDC tỉnh đang tập trung triển khai một số các hoạt động trọng tâm để ngăn ngừa. Theo đó, các bộ phận chuyên môn phối hợp với y tế địa phương dập ngay các ổ dịch SXH trên địa bàn bằng cách phun hóa chất diệt muỗi mang mầm bệnh, khống chế không để bệnh lây lan. Các lực lượng tăng cường hoạt động giám sát về ca bệnh, giám sát về quần thể muỗi, lăng quăng và theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trong cộng đồng, từ đó có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Phun hóa chất nhiều nơi diệt muỗi, ngăn sốt xuất huyết.
Phun hóa chất nhiều nơi diệt muỗi, ngăn sốt xuất huyết.

Cùng với đó, CDC tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch và công tác điều trị SXH; phối hợp với các trung tâm y tế và các ngành, đoàn thể triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun thuốc khử độc diệt muỗi để ngăn chặn đường lây lan của bệnh SXH trong cộng đồng cho những địa phương có nguy cơ.

Ngoài ra, trung tâm tích cực thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thực hiện những biện pháp diệt muỗi, lăng quăng tại chỗ theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh SXH.

Phó Giám đốc CDC tỉnh- Huỳnh Thanh Tân nhận định, để phòng tránh SXH người dân nên chủ động phòng chống, phát hiện sớm các ổ lăng quăng và thường xuyên vệ sinh trong nhà, môi trường xung quanh. Đặc biệt khi thấy có các triệu chứng sốt, nổi ban đỏ dưới da phải đến các cơ sở y tế tránh để bệnh nặng mới đến viện.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN