Phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Y tế: Vì sao tiến độ tiêm vắc xin mũi 4 chưa đạt kế hoạch đề ra?

Cập nhật, 17:37, Thứ Hai, 13/06/2022 (GMT+7)

Nhằm duy trì thành quả chống dịch, sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tốt sức khỏe nhân dân, chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn đang được diễn ra với các mũi nhắc lại nhằm duy trì và tạo thêm miễn dịch cho người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao. Song, tại Vĩnh Long tiến độ tiêm mũi nhắc lại cho người trên 18 tuổi chưa đạt được kế hoạch đề ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn TS. BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế  để làm rõ vấn đề trên.

- PV: Hiện nay tiến độ tiêm vắc xin mũi nhắc lại lần 1, lần 2 cho người trên 18 tuổi trong tỉnh chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Xin bà cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng: Hiện công tác tiêm ngừa vắc xin COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể là tiêm mũi nhắc chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Theo đó, tính đến 13/6, đối với trường hợp nhắc lần 1 chúng ta chỉ đạt trên 63% người trên 18 tuổi và nhắc lần 2 chỉ đạt 6,5%. Việc chậm tiến độ này có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất do tâm lý người dân chủ quan tình hình dịch bệnh đã ổn định nên không muốn tiêm. Lý do nữa là sợ tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của người dân. Có người cũng nghĩ rằng đã tiêm các mũi cơ bản rồi và đã từng mắc COVID- 19 rồi nên không tiêm nữa.

- PV: Như bà vừa trao đổi, nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ tiêm mũi nhắc lại là do tâm lý chủ quan tình hình dịch đã được kiểm soát tốt, cũng có thông tin cho rằng tiêm vắc xin COVID-19 sẽ ảnh hưởng sức khỏe như mau quên, rụng tóc,... Bà có ý kiến như thế nào về những thông tin này?

- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng: Vắc xin phòng COVID-19 đã chứng minh được hiệu quả trong việc bảo vệ cho người tiêm và cộng đồng. Bản thân người tiêm đủ liều vắc xin có thể không bị mắc COVID-19, nếu mắc thì có triệu chứng nhẹ và rất hiếm tử vong. Nhờ đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin cao, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, giảm số ca mắc và tử vong.

Song, kháng thể từ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian và cơ thể sẽ mất khả năng bảo vệ. Sau khi tiêm đủ liều cơ bản (mũi 1 và mũi 2) thì khả năng bảo vệ là trên 80%, sau 3-6 tháng hiệu lực bảo vệ giảm dần, chỉ còn 50% (nhất là với chủng Omicron). Nếu tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) kháng thể tăng lên được 70%, nhưng lại giảm dần từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 xuống còn 30%. Do đó nếu không tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) thì khả năng bảo vệ cơ thể sẽ mất dần và trở về như người chưa tiêm, nếu xuất hiện chủng COVID-19 mới thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng và có thể tử vong.

Về tác dụng phụ của vắc xin khi tiêm mũi 3, mũi 4, người dân nghĩ rằng tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 sẽ ảnh hưởng tới trí nhớ, hay quên, rụng tóc cũng như ảnh hưởng đến một số vấn đề về sức khỏe, tôi xin khẳng định rằng các nghiên cứu đều cho thấy vắc xin phòng COVID-19 không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, khả năng tình dục và cũng không ghi nhận các tác dụng phụ như tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ.

Ngược lại, những nghiên cứu về các ảnh hưởng của hậu COVID-19 thì đã được khẳng định, có 203 triệu chứng, trong đó có tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản, giảm khả năng tình dục,… Do đó, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng không căn cứ để rồi mất cơ hội được bảo vệ liên tục khi từ chối tiêm vắc xin mũi 3 và mũi 4.

- PV: Xin bà cho biết tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin mũi nhắc lại trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay và trong thời gian tới như thế nào?

- TS.BS Hồ Thị Thu Hằng: Mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát vững chắc, tuy nhiên thỉnh thoảng chúng tôi thấy vẫn có những trường hợp chuyển nặng và tử vong mà những trường hợp này thường xảy ra ở những người chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đầy đủ.

Việc tiêm vắc xin các mũi nhắc lại cũng được ghi nhận về hiệu quả trên thế giới. Khi tiêm liều nhắc mũi 3 thì giảm mắc, giảm chuyển nặng, giảm tử vong. Việc tiêm mũi 4 cũng góp phần giảm tái mắc tái nhiễm COVID-19, hạn chế sự xuất hiện các biến chủng mới; tăng sức đề kháng khi tiêm.

Tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Tiêm vắc xin chính là để bảo vệ chúng ta trong tình huống nếu có dịch tiếp tục xảy ra.

-PV: Xin cảm ơn bà đã dành thời gian trả lời phỏng vấn.

THÚY QUYÊN (thực hiện)