Phỏng vấn

Việc thiếu thuốc đã được ngành y tế khắc phục

Cập nhật, 06:28, Thứ Sáu, 10/06/2022 (GMT+7)

Thời gian qua xuất hiện tình trạng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế để cấp cho bệnh nhân điều trị ngoại trú ở các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu tuyến huyện và y tế cơ sở. Để làm rõ hơn về thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế.

* Thời gian qua xuất hiện tình trạng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế để cấp cho bệnh nhân điều trị ngoại trú ở tuyến huyện và cơ sở, nguyên nhân vì sao, thưa bác sĩ?

- Mua thuốc để đáp ứng công tác điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện đúng quy trình mua sắm. Quy trình mua sắm thuốc phải thực hiện đấu thầu và đấu thầu thuốc: phải công khai, minh bạch, đảm bảo tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả điều trị. Quá trình đấu thầu gồm nhiều giai đoạn: Lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc.

Thời gian qua, từ tháng 6/2021, đội ngũ tham gia công tác đấu thầu đã bắt đầu các công việc như rà soát tình hình sử dụng thuốc theo kết quả đấu thầu giai đoạn 2020- 2021 và trên cơ sở đó tiến hành thực hiện quy trình mua sắm thuốc cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2022- 2023, dự kiến thời gian công bố kết quả đấu thầu là tháng 1/2022 nhưng do tình hình dịch bệnh quá phức tạp giai đoạn 2021- 2022 làm ảnh hưởng công tác đấu thầu cung ứng thuốc. Ngoài ra, nhân lực ngành y tế tập trung cho công tác phòng chống dịch, hơn nữa có giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội, giải quyết các vấn đề sau dịch… nên việc tổ chức đấu thầu có chậm trễ.

Hơn nữa, có một số trường hợp hồ sơ kỹ thuật không đạt yêu cầu, nhiều thuốc chưa đăng gia hạn số đăng ký; một số sản phẩm thiết yếu không có nhà thầu tham dự; một số thuốc hiếm không còn sản xuất... hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch.

Nguyên nhân khác nữa là thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung cấp quốc gia thực hiện chưa có kết quả. Việc lần đầu tiên tiến hành đàm phán số lượng lớn các thuốc biệt dược gốc cùng với nhân lực phục vụ cho công tác đàm phán giá còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm cũng là những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ của công tác đàm phán giá.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Bộ đang chỉ đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia khẩn trương triển khai công tác đấu thầu tập trung thuốc cấp quốc gia và đàm phán giá. Ngay khi có kết quả, sẽ thông báo kết quả trúng thầu và thỏa thuận khung để các cơ sở y tế triển khai, thực hiện.

* Việc thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế đã ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh. Vậy, vấn đề này được khắc phục chưa thưa bác sĩ?

- Sở Y tế đã có các Quyết định số 902, 903, 904, 905/QĐ-SYT, ngày 16/5/2022 phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm tập trung thuốc, vắc xin cho các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2022- 2023. Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc ký hợp đồng với các đơn vị trúng thầu, để bảo đảm có thuốc, vắc xin đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác khám chữa bệnh. Một số loại thuốc thiết yếu, thuốc cấp cứu còn đang thiếu cơ sở thống kê, báo về Sở Y tế để xin chủ trương UBND tỉnh tổ chức lựa chọn hình thức mua sắm phù hợp.

Đến hôm nay, việc đấu thầu thuốc gần như đã hoàn tất, các đơn vị cũng đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà cung cấp thuốc đã trúng thầu để có thuốc cho các cơ sở điều trị, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế trong tỉnh.

* Để đảm bảo quyền lợi người dân đã mua bảo hiểm y tế khi khám và điều trị bệnh sẽ được cấp thuốc đầy đủ, ngành y tế có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa bác sĩ?

- Sở Y tế sẽ đề xuất UBND tỉnh ngay lập tức xây dựng một hệ thống quản lý dược thông minh, kết nối, cung cấp dữ liệu cho cơ quan BHXH và các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn tỉnh; trong đó Sở Y tế nắm quyền điều hành. Đồng thời, ngành y tế tỉnh cần thành lập một quy trình đấu giá thuốc, trong đó xác lập, tính toán rõ ràng thời gian, hoàn thành mục tiêu đề ra và phải bảo đảm từ nay về sau không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc do chậm trễ trong đấu thầu.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc do đấu thầu chậm trễ trong năm 2022, cũng như chuẩn bị tốt cho đấu thầu tập trung cấp địa phương trong những năm tiếp theo, Sở Y tế sẽ có chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian lập dự trù mua thuốc, phối hợp chặt chẽ với BHXH thống nhất danh mục thuốc dự kiến để quá trình đấu thầu được rút ngắn, kịp thời có thuốc. Mua thuốc theo hình thức chỉ định thầu rút gọn đúng quy định khi cần thiết.

Quy trình tổ chức đấu thầu thuốc đòi hỏi sự chặt chẽ, thường phải mất tới vài tháng. Do đó, phải có một đội ngũ chuyên nghiệp để rút ngắn được thời gian ở tất cả các khâu cũng như kịp thời tổ chức đấu thầu để nguồn cung thuốc không bị gián đoạn. Các cơ sở y tế phải có quy định ước lượng được: Trong kho còn bao nhiêu thuốc, sử dụng một tháng là bao nhiêu. Thuốc còn chừng đủ 3 tháng là chạm an toàn, khi phần mềm báo lên chạm an toàn là bắt đầu cho tiến hành đấu thầu thuốc...

* Xin cám ơn bác sĩ!

THÚY QUYÊN (thực hiện)