Thế mạnh đột phá để Mang Thít đổi thay

Cập nhật, 07:19, Thứ Ba, 16/02/2021 (GMT+7)

 

(VLO) Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Nguyễn Văn Diên khẳng định: “Mang Thít sẽ tập trung mọi nguồn lực khai thác tốt tiềm năng và lợi thế nhằm thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh, bền vững. Theo đó, huyện chọn các khâu đột phá và mũi nhọn trọng yếu là: Quy hoạch, bảo tồn làng nghề gạch gốm gắn với phát triển khu- điểm du lịch chuyên đề và sản phẩm du lịch đặc thù có giá trị theo hướng hình thành Di sản đương đại Mang Thít”.

Tầm nhìn cho một di sản đương đại

“Di sản đương đại Mang Thít” là đề án mang ý tưởng độc đáo, nếu được thực hiện tốt nó sẽ giúp địa phương đạt được nhiều mục tiêu kép, vừa giải quyết khó khăn, bế tắc cho một làng nghề đã từng một thời đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế- xã hội huyện Mang Thít, vừa là điểm đến độc đáo của địa phương.

Do đó, đây là một đề án được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo huyện Mang Thít và lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long.

Sau khi hoàn thành các bước tư vấn và xây dựng đề án, việc quan trọng tiếp theo là công tác vận động tuyên truyền giúp người dân trực tiếp thụ hưởng trong vùng triển khai đề án, nhận thức về việc bảo tồn giá trị di sản kiến trúc đậm nét giao thoa văn hóa, thể hiện tầm nhìn của chính quyền với quyền lợi lâu dài của người dân và khẳng định trách nhiệm của chính quyền thông qua chính sách hỗ trợ cho bà con địa phương.

Làng nghề từng được mệnh danh là “vương quốc gạch gốm” sẽ trở thành nơi trưng bày kho báu lộ thiên trong tương lai; mở ra triển vọng của một điểm đến độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn là điểm nhấn đặc biệt hấp dẫn du khách quốc tế. Một bài toán cho ra nhiều hiệu quả kinh tế to lớn.

Từ một làng nghề đã qua rồi thời hoàng kim, Mang Thít sẽ trở thành địa phương sở hữu một kho báu vô giá với gần 1.500 lò gạch trải rộng trên diện tích gần 3.000ha, chạy dọc các bờ kinh chính như Thầy Cai, Hòa Mỹ, tạo thành một vòng cung bờ phía Nam khép lại tới kinh Nhơn Phú, Hòa Tịnh.

Trải nghiệm của du khách ở làng nghề gạch gốm trên kinh Thầy Cai (Mang Thít).
Trải nghiệm của du khách ở làng nghề gạch gốm trên kinh Thầy Cai (Mang Thít).

Ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- đánh giá: “Đây là một kho báu lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa- kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo”.

Tuy nhiên, do tác động không tích cực tới môi trường cũng như gặp nhiều thách thức trong thị trường hiện tại, các lò gạch sẽ được chuyển đổi công năng thông qua các hình thức sáng tạo cảnh quan thiên nhiên và phát huy các lợi thế khác và đề án đưa vương quốc gạch ngói Mang Thít trở thành di sản đương đại là một ý tưởng táo bạo, độc đáo, đa mục tiêu giải quyết được nhiều vấn đề, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và lâu dài cho địa phương, đặc biệt đối với người dân trong khu vực đề án.

TS. kiến trúc sư quy hoạch Ngô Anh Đào đã giải thích về những đặc điểm mà “khối tài sản” là các lò gạch gốm hiện nay trên địa bàn huyện Mang Thít có được sẽ có cơ hội, tiềm năng như thế nào để trở thành một di sản đương đại không chỉ độc đáo ở Việt Nam mà còn là ở tầm cỡ thế giới.

Theo đó, nhóm tư vấn so sánh các đặc điểm tương đồng của làng gạch gốm Mang Thít với các di sản đương đại khác trên thế giới như: tính tương đồng về cảnh quan thiên nhiên kết hợp di sản với Venice (Ý); tính tương đồng về mật độ và hình thái phân bố di sản với quần thể Bagan (Myanmar); sự chuyển đổi chức năng, công năng của dự án phục hồi di sản công nghiệp (Anh Quốc).

Triển vọng về Di sản đương đại

Ông Phan Văn Giàu cho rằng: “Đây là chiến lược có thể biến khối tài sản có giá trị 500 tỷ đồng để mang lại ước tính hàng ngàn tỷ đồng/năm cho ngành du lịch huyện Mang Thít. Đề án sẽ được quy hoạch dựa trên mô hình “tái định cư tại chỗ” để đảm bảo quyền lợi cũng như sinh kế bền vững cho người dân”.

Lý giải cho những ý kiến còn e ngại về vùng bao phủ đề án quá rộng lớn, liệu có khả thi, ông Phan Văn Giàu cho rằng: Di sản đương đại Mang Thít xây dựng theo hướng vùng đệm và vùng lõi trọng yếu; trong đó, kinh Thầy Cai sẽ là điểm nhấn được xây dựng xoay quanh các dịch vụ, sản phẩm du lịch chính. Do đó, kinh phí không phải là vấn đề bất khả thi.

Nhà tư vấn đầu tư Nguyễn Lan Hương cho rằng, thực hiện đề án sẽ định vị được “bản sắc Mang Thít”, bởi nơi đây sẽ là một điểm đến trên bản đồ du lịch của khu vực khi có sự kết hợp đa dạng cái riêng của Mang Thít gồm quần thể nghệ thuật đất, dịch vụ nghỉ dưỡng- ẩm thực- giải trí hiện đại và cái chung của ĐBSCL về du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh đó, đây cũng là một điển hình về trải nghiệm và phát triển, một ý tưởng xanh và thông minh xuyên suốt, thể hiện quá trình giảm thải- tái sử dụng- tái chế- phục hồi- xả thải năng lượng và vật liệu”. Nhóm tư vấn cũng chỉ ra các bên hưởng lợi nếu thực hiện đề án.

Trong đó, chính quyền sẽ tăng trưởng kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, bền vững; tăng uy tín trong việc phát triển hài hòa, bền vững. Riêng cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ việc làm có thu nhập cao và ổn định; tự hào và giàu có nhờ bản sắc văn hóa đa dạng…

Ở góc nhìn khác, từ tài nguyên đất sét đỏ không chỉ sản xuất nên những sản phẩm gạch gốm đơn thuần, mà dưới bàn tay, sự sáng tạo tài hoa của nghệ sĩ đất sét đỏ Mang Thít đã được sáng tác nên những tác phẩm có giá trị cao trong các cuộc triển lãm mỹ thuật quốc tế.

Sáng tác mỹ thuật tại làng nghề của vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển.
Sáng tác mỹ thuật tại làng nghề của vợ chồng họa sĩ Lê Triều Điển.

Người đã khai mở hướng đi mới cho làng nghề gạch gốm chính là họa sĩ Lê Triều Điển- cũng là người con của quê hương Vĩnh Long. Hơn mấy chục năm qua, ông chưa thôi ngừng nghỉ nung nấu ý tưởng và vẫn tiếp tục âm thầm thực hiện những chuyến sáng tác tại đây.

Theo họa sĩ, có những tác phẩm do ông sáng tác từ làng nghề gạch gốm được định giá hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn USD.

Trong các dịch vụ trải nghiệm của các tour du lịch trong tương lai, hoàn toàn có khả năng mở ra những gói tour sản xuất các vật dụng từ gạch gốm và những chuyến trải nghiệm sáng tác những tác phẩm độc đáo từ đất sét dành cho những nhóm du khách có yêu cầu riêng.

Chủ tịch UBND huyện Mang Thít Nguyễn Văn Diên cho biết: Thời gian qua đã có rất nhiều đoàn công tác cả trong và ngoài nước, khi đến Mang Thít đều muốn một lần trải nghiệm quá trình sản xuất cũng như đời sống của người dân làng gạch gốm.

Bởi làng nghề có những nét đặc trưng riêng mà không phải ở đâu cũng có. Làng nghề gạch gốm là nét đặc trưng và hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến, tham quan, trải nghiệm cũng như đưa địa danh Mang Thít đến gần hơn với khách du lịch trong và ngoài nước. Lãnh đạo huyện Mang Thít cam kết nếu thực hiện đề án, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ để sao cho có lợi cả cho địa phương, nhân dân và cộng đồng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG