Vũng Liêm xưa và tầm nhìn mới

Cập nhật, 07:17, Chủ Nhật, 14/02/2021 (GMT+7)

 

Êm ả, thanh bình trên dòng sông Vũng Liêm. Ảnh: MINH THÁI
Êm ả, thanh bình trên dòng sông Vũng Liêm. Ảnh: MINH THÁI

(VLO) Mỗi lần đặt chân đến quê hương Vũng Liêm hay chỉ là nghĩ về vùng đất này thôi, cảm giác nổi lên rõ rệt nhất, ấn tượng nhất trong tôi được gói gọn trong hai từ: “đất thiêng”! Một vùng trời quê hương sông nước đặc biệt của đồng bằng này.

Thử nhìn lại mà xem, trong suốt tiến trình vận động của văn hóa, lịch sử Nam Bộ, thì ở mỗi cột mốc quan trọng hầu như đều gọi tên vùng đất Vũng Liêm. Chính yếu tố đất thiêng với bề dày văn hóa lịch sử đặc biệt, quê hương này đã sản sinh cho đất nước những con người kiệt xuất.

Với tâm thế tự hào về quá khứ, với năng lượng tràn đầy, lạc quan, Đảng bộ, quân và dân Vũng Liêm đang phấn khởi bước vào mùa xuân mới với niềm tin mới, ước mơ và khát vọng mới.

Nhìn lại ngàn xưa hướng đến tương lai

Quá khứ, lịch sử chính là nền tảng, là “cái đế” vững vàng, hun đúc tạo nên tố chất của mỗi vùng đất và con người; những giá trị vật thể, phi vật thể dù hiện tồn hay biến mất vẫn luôn để lại cho đời sau những giá trị nhất định.

Mỗi lần ngang qua con sông Cổ Chiên từ thị trấn Vũng Liêm để đến với cù lao Dài xanh ngan ngát bên kia, lòng tôi tự hỏi, mùa gió nào đã thổi căng cánh buồm xưa vượt trùng khơi ngàn dặm từ xứ ngũ Quảng, đưa những lưu dân Việt đầu tiên vào cửa sông này? 

Và bến nước nào là nơi neo đậu, nơi in những dấu chân đầu tiên của ông bà mình lên mảnh đất cù lao từ hàng trăm năm trước? 

Vì sao ông cha ta chọn nơi đây để khai cơ lập nghiệp, mà cũng từ đây đã cống hiến cho đất nước một danh thần lừng lẫy, góp công lớn vào sự nghiệp mở mang, định vị cho cả vùng đất phương Nam? Những câu hỏi càng làm đầy đặn thêm tình yêu tha thiết với vùng đất và con người nơi đây.

Lần đầu tiên đặt chân đến cù lao Dài cách đây cũng chục năm rồi, vẫn nhớ như in khi gặp “người kể chuyện” Nguyễn Văn Điền- thầy giáo am hiểu sâu sắc về xứ cù lao, đặc biệt về hai dòng họ nổi tiếng Nguyễn- Châu, đó là những câu chuyện chưa vui về những di tích bị lãng quên.

Ngày nay mọi chuyện đã khác, khác lắm rồi. Hàng chục tỷ đồng được Vĩnh Long mạnh dạn đầu tư để tôn vinh những nhân vật lịch sử kiệt xuất của quê hương. Đó chính là khu lăng mộ gia tộc của danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân Châu Thị Vĩnh Tế.

Danh thần Thoại Ngọc Hầu và phu nhân đã góp công lớn tạo dựng những công trình quan trọng trong buổi đầu phương Nam, còn lưu danh và giá trị cho đến ngày nay.

Nhưng cũng ít người biết được, trước đó trên xứ cù lao Dài, Thoại Ngọc Hầu đã kịp ghi dấu ấn tài năng kỷ trị bằng việc huy động dân đắp những hương lộ, xẻ những con kinh làm trục giao thông chính, chia cù lao thành 5 thôn mà có thể gọi là những “nông thôn mới kiểu mẫu” lúc bấy giờ. Vậy nên cù lao Dài xưa còn có tên Ngũ Hiệp thôn.

Câu chuyện những lưu dân Việt đầu tiên vào cù lao Dài xưa là sự khác biệt. Bởi chỉ duy nhất tại Vũng Liêm, chính là nơi đầu tiên diễn ra cuộc giao thoa giữa hai nền văn hóa lớn của đồng bằng Việt- Khmer và ở đây có sự “chạm mặt” với nền văn hóa Óc Eo cổ xưa, đây chính là lý do làm cho vùng đất này trở nên đặc biệt nhất ở ĐBSCL. Phải chăng những yếu tố đặc biệt đã góp phần bồi đắp nên vùng đất thiêng và sản sinh nhân tài?

Đất thiêng Vũng Liêm càng tự hào trong thời hiện đại đã sinh ra người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long, nhà lãnh đạo góp công lớn vào thời kỳ đổi mới của đất nước- Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông cũng là người nặng lòng với sự nghiệp bảo tồn, khôi phục và phát huy những giá trị di sản của tiền nhân.

Vũng Liêm ngày nay mang trong lòng niềm tự hào về quá khứ và một tâm thế mới với những con người mới xây dựng quê hương bằng sự năng động, sáng tạo, bền bỉ kiên trì với giấc mơ tương lai, đã được định hướng, hoạch định rõ ràng từ tầm nhìn, trí tuệ mang tính dẫn đường của Đảng bộ Vũng Liêm trong 5 năm tới.

Khát vọng mùa xuân

Cống Vũng Liêm trên dòng sông Vũng Liêm nằm trong tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long) và tỉnh Trà Vinh. Ảnh chụp ở góc toàn cảnh. Ảnh: MINH THÁI
Cống Vũng Liêm trên dòng sông Vũng Liêm nằm trong tiểu dự án Kiểm soát nguồn nước thích ứng biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít (tỉnh Vĩnh Long) và tỉnh Trà Vinh. Ảnh chụp ở góc toàn cảnh. Ảnh: MINH THÁI

Trong đó, những nội dung quan trọng đầu tiên trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp trong 5 năm tới của Vũng Liêm là: “Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Mà cụ thể là “Tăng diện tích lúa theo hướng sản xuất hữu cơ và chất lượng cao, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, ảnh hưởng hạn, mặn sang trồng cây ăn trái, trồng màu, nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao”.

Vũng Liêm cần những con người dũng cảm, sáng tạo, kiên định với giấc mơ xây dựng nền nông nghiệp bền vững, có hàm lượng chất xám cao.

Câu chuyện dẫn dắt chúng ta đến với Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt, nhiều năm qua những nông dân Vũng Liêm đã âm thầm nuôi dưỡng và thực hiện một giấc mơ cho hạt gạo chất lượng cao và vượt lên cả câu chuyện sản xuất đơn thuần mà nông nghiệp phải gắn liền với dịch vụ, chế biến hậu sản xuất, mới mong đưa người nông dân lên tầm cao mới. 

Đây chính là một trong những vấn đề mang tính “sống còn” của nông dân và cánh đồng trong thời kỳ hiện đại, hội nhập. Và Vũng Liêm đang bắt đầu gặt hái những quả ngọt đầu mùa, hứa hẹn một mùa xuân tới nụ cười rạng rỡ xoa dịu bớt những lo toan, nhọc nhằn đẫm vị mặn mồ hôi của bà con nông dân.

Vũng Liêm còn định hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, thương mại, bằng việc phát triển Trung tâm thương mại, dịch vụ chợ Vũng Liêm, Trung tâm thương mại- siêu thị ngã ba An Nhơn…

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chú trọng các mặt hàng thế mạnh như: xoài, sầu riêng, gạo hữu cơ, các sản phẩm OCOP. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi phát triển hoạt động hội chợ triển lãm, quảng bá trưng bày sản phẩm địa phương.

Vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, quân và dân Vũng Liêm vững chắc niềm tin thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025).

Trên chuyến phà ngang dòng Cổ Chiên chiều nay, có những cơn gió se lạnh bất chợt, lòng cũng nao nao theo con sóng lao xao đuổi nhau miên man trên mặt nước sông đầy.

Nghe đâu đây như vọng về những lời hát âm vang hy vọng “đường lớn đã mở đi tới tương lai, ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay…” và Vũng Liêm còn có cả “ngày hôm qua” hào hùng, hào sảng khí chất Nam Bộ, đang dang rộng vòng tay, mở rộng lòng chào đón nhịp xuân sang, tạo khí thế hiên ngang, vững vàng bước về phía trước. 

NGỌC TRẢNG