Vĩnh Long bước sang chặng đường mới

Cập nhật, 21:23, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

Năm 2020, từ việc tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp đã mở ra một chặng đường mới để Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025.
Năm 2020, từ việc tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp đã mở ra một chặng đường mới để Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững. Trong ảnh: BCH Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025.

Một trong những phương hướng mà Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025) đưa ra là huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế “Nông nghiệp, công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ”.

Theo đó, nông nghiệp được xác định vẫn là thế mạnh, mặt trận hàng đầu, là nền tảng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ, nhằm tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững.

Nông nghiệp vẫn là thế mạnh 

Theo đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể phải tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền rộng rãi nội dung của nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện, đưa nghị quyết nhanh chóng thâm nhập vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và có hiệu quả trên mọi lĩnh vực ngay từ những tháng đầu, năm đầu của kế hoạch 5 năm (2020- 2025).

Nông nghiệp được xác định vẫn là thế mạnh, mặt trận hàng đầu trong giai đoạn 2020- 2025.
Nông nghiệp được xác định vẫn là thế mạnh, mặt trận hàng đầu trong giai đoạn 2020- 2025.

Thực hiện chỉ đạo này, ngay sau đại hội, các ngành, địa phương đã bắt tay ngay vào việc cụ thể hóa nghị quyết của địa phương mình. Hầu như các địa phương đều xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh, mặt trận hàng đầu, nền tảng để phát triển. 

Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, Huyện ủy Tam Bình đề ra mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực, tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế bên trong và ngoài huyện nhằm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, mà trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng bộ trên cơ sở kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng phát triển về giá trị và hiệu quả, bền vững”.

Đồng chí Lê Tiến Dũng- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tam Bình- cho biết:  “Huyện ủy xác định nông nghiệp vẫn là kinh tế trọng điểm, là nền tảng phát triển của huyện. Nhiệm kỳ 2020- 2025, Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo sản xuất lúa theo hướng hiệu quả, bền vững, gắn kết với doanh nghiệp để tạo đầu ra; đồng thời nhân rộng các mô hình sẵn có như cánh đồng mẫu, lúa hữu cơ, mở rộng diện tích để nâng cao giá trị.

Trong nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện Vũng Liêm sẽ chọn khâu đột phá “đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới”.  Theo đồng chí Lê Văn Lập- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp- thủy sản theo hướng tăng dần diện tích đất trồng cây lâu năm.

Từ định hướng này, Vĩnh Long hướng tới mục tiêu thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030 và sản xuất gắn với chế biến.
Từ định hướng này, Vĩnh Long hướng tới mục tiêu thực hiện phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030 và sản xuất gắn với chế biến.

Theo đó, Vũng Liêm phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản tăng bình quân 1,8 %/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích năm 2025 đạt 220 triệu đồng/ha. Song song đó, tăng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và lúa chất lượng cao; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả, ảnh hưởng hạn- mặn sang trồng cây ăn trái, trồng màu, nuôi thủy sản...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI xác định, Vĩnh Long tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025 tăng bình quân từ 2- 2,5%/năm. Ngoài ra, sẽ chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường; từ phát triển theo số lượng sang chất lượng để có hiệu quả cao hơn. 

Để thực hiện phương hướng, mục tiêu nêu trên, đại hội thống nhất đề ra 3 khâu đột phá. Một là, phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới mô hình tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao. Hai là, tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch. Ba là, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch

Cần sự đồng tâm, hiệp lực

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, động lực phát triển giai đoạn 2021-2025 của tỉnh là tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm: phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao. Tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng...

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết Đảng bộ tỉnh năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đã lưu ý, năm 2021 là năm đầu thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chính vì vậy, toàn Đảng bộ phải đoàn kết, năng động, sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón đã nhấn mạnh một số đầu việc cần phải triển khai ngay: tập trung lãnh đạo triển khai, quán triệt Nghị quyết, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020- 2025). Các cơ quan chuyên môn sớm tham mưu xây dựng các chương trình hành động, đề án, kế hoạch cụ thể hóa Chương trình hành động, 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Riêng lĩnh vực kinh tế, cần triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020- 2030; tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy thế mạnh sản xuất rau màu; nâng cao ý thức chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu…  

Đối với từng địa phương, cũng bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy để thực hiện các chương trình hành động nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Bí thư Huyện ủy Tam Bình Lê Tiến Dũng cho biết, huyện ủy sẽ điều chỉnh quy hoạch phù hợp với từng khu vực, hình thành vườn cây ăn trái theo hướng tập trung chuyên canh và chọn những mô hình hiệu quả để tập trung nhân rộng, củng cố các hợp tác xã góp phần phát triển sản xuất. Bên cạnh, phát huy hiệu quả trồng màu- nhất là những khu vực đã được quy hoạch đầu tư chuyên canh theo hướng an toàn sinh học, liên kết bao tiêu đầu ra cho nông sản.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Trang- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mang Thít- cho biết, trong nhiệm kỳ này huyện có khâu đột phá “Quy hoạch, bảo tồn làng nghề gạch, gốm gắn với phát triển khu, điểm du lịch chuyên đề và sản phẩm du lịch đặc thù có giá trị, hướng đến hình thành di sản đương đại của huyện Mang Thít”. Mục tiêu mà huyện hướng tới là bảo tồn các làng nghề gạch, gốm dọc tuyến sông Cổ Chiên, với vùng lõi là kinh Thầy Cai (xã Mỹ Phước và Nhơn Phú) với khoảng 589 lò gạch, nhằm thu hút khách tham quan du lịch... để đóng góp vào tăng trưởng chung của huyện.

Tỉnh phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1% (theo tiêu chí mới).
Tỉnh phấn đấu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1% (theo tiêu chí mới).

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón mong muốn, trên chặng đường phát triển sắp tới, chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề mới nảy sinh, nhiều khó khăn, thách thức chưa lường trước được. Do vậy, hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bám sát thực tiễn, gắn bó với nhân dân, xây dựng phong cách làm việc khoa học, năng động, hiệu quả. Đặc biệt là, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở mỗi cấp, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thực sự gương mẫu, vì nhân dân phục vụ nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã thống nhất phấn đấu thực hiện 24 chỉ tiêu chủ yếu, gồm: 7 chỉ tiêu về kinh tế, trong đó chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 82,5 triệu đồng; 9 chỉ tiêu về văn hóa- xã hội, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1% (theo tiêu chí mới) và đến năm 2025 có 74 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị; 4 chỉ tiêu về môi trường; 2 chỉ tiêu về xây dựng hệ thống chính trị và 2 chỉ tiêu về quốc phòng- an ninh.

Bài, ảnh: BÙI THANH