Giữa đôi dòng mặn- ngọt

Cập nhật, 22:06, Thứ Sáu, 12/02/2021 (GMT+7)

 

Công trình cống Vũng Liêm đã phát huy hiệu quả ngăn mặn cho tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2019- 2020.
Công trình cống Vũng Liêm đã phát huy hiệu quả ngăn mặn cho tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2019- 2020.

Khi bàn tiệc ngày xuân vẫn còn rôm rả thì con nước mặn có thể đã len lỏi vào tận những nhánh sông, kinh rạch nội đồng. Tháng Giêng đâu còn là “tháng ăn chơi” khi mà nước ngọt, phù sa không còn hào phóng như trước. Giữa đôi dòng mặn- ngọt, lựa chọn nào để thuận sống chung?

Cơn khát

Lũ vắng. Ruộng đồng khát phù sa. Mùa khô, cây trồng cháy khát vì hạn- mặn. Và mặn xâm nhập làm cho cơn khát càng bỏng rát hơn. Còn nhớ mùa khô 2015- 2016, lần đầu Vĩnh Long “giật mình” khi mặn “đột kích” ngay thời điểm Tết Nguyên đán. Mặn kỷ lục bủa vây các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn và Mang Thít, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Vĩnh Long công bố thiên tai.

Rồi 4 năm sau, không “lỗi hẹn mùa xuân”, mặn sớm quay trở lại vào đầu mùa khô 2019- 2020, vẫn “lợi hại” và đầy bất ngờ. Bởi lần này, mặn đã xốc ngược cánh sông Hàm Luông (Bến Tre), đổ vào sông Tiền rồi “đánh úp” 4 xã cù lao của huyện Long Hồ- chuyện chưa từng có trước nay. Thế là chính quyền địa phương và người dân ở 4 xã cù lao này phải học hỏi kinh nghiệm ứng phó với mặn như những gì xứ cù lao Dài (Vũng Liêm) trải qua 4 năm về trước. Từ chuyện canh con nước, đo độ mặn, vận hành cống, giải pháp trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, nước sinh hoạt.

Có thể nói, 4 xã cù lao “vỡ trận” trước đợt tấn công bất ngờ của mặn. Ông Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước- nhớ lại, mặn lên cao và gây ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái ở xứ cù lao này là chuyện không thể ngờ tới. Bất ngờ hơn cả là hướng đi của mặn đã khiến cho địa phương không kịp trở tay.

Ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ cho biết, ngay từ con nước triều cường rằm tháng Giêng (8/2/2020), nước mặn đã xuất hiện ở 4 xã cù lao ở mức 1‰. Sau đó, độ mặn tiếp tục tăng lên. Đến ngày 4/3/2020, độ mặn đo được tại rạch Cái Muối (xã Bình Hòa Phước) đã lên tới 4,1‰. Vùng cù lao chuyên canh cây ăn trái của huyện chính thức bị mặn xâm nhập.

 

Trước nay, các cống đập ở 4 xã cù lao này chỉ có 1 nắp quạt phía ngoài sông để ngăn lũ, triều cường thì nay để ứng phó với mặn, cần thêm 1 nắp quạt nữa ở bên trong để giữ ngọt. Yêu cầu là vậy nhưng trong tình huống chưa được tính đến thì hầu như tất cả các cống, đập ở cù lao phải đóng dài ngày để ngăn mặn xâm nhập. Và rồi 4 xã cù lao “khát nước” giữa bốn bề sông nước!

Không riêng ở 4 xã cù lao này mà “cơn khát” còn xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Nếu như mùa khô năm 2015- 2016, toàn tỉnh có 4 huyện bị ảnh hưởng với độ mặn từ 2- 10‰ là Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình thì sang mùa khô 2019- 2020, chỉ còn huyện Bình Tân và TP Vĩnh Long là chưa bị ảnh hưởng mặn. Đặc biệt, ở vùng Nam sông Măng Thít, các vàm sông, rạch nối với sông Cổ Chiên, sông Măng Thít và sông Hậu còn hở, chưa có cống ngăn mặn nên mặn vẫn còn thâm nhập vào nội đồng. Hiện việc ngăn mặn, trữ ngọt chỉ nhờ vào hệ thống đê bao ven các kinh cấp 1, cấp 2 và các cống nhỏ trên đê bao. Phần lớn kinh rạch nội đồng bị bồi lắng nên khả năng trữ nước cũng rất thấp.

Do các kinh rạch ngoài vùng đê bao phần lớn đều hở, nên thường bị nhiễm mặn khi triều lên. Các nhà máy nước ở các huyện bị nhiễm mặn phần lớn lấy nước trực tiếp từ các sông rạch này nên nguồn nước thu cũng bị nhiễm mặn. Cao điểm, 51 nhà máy, trạm cấp nước đã phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn trên 1‰ cấp nước cho 89.743 hộ. Trong đợt mặn lên cao vào đầu năm 2020, do nhu cầu phục vụ nước cho người dân nên hầu hết các nhà máy buộc phải bơm nước mặn lên tạm cấp cho sinh hoạt. Vào thời điểm xâm nhập mặn cao nhất vào tháng 1 và 2/2020, toàn tỉnh có 26.289 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, 17.479ha cây trồng bị thiếu nước tưới.

Giữa đôi dòng mặn- ngọt

Sông Tiền chạm ngõ 4 xã cù lao huyện Long Hồ thì chia thành 2 nhánh sông Tiền và sông Cổ Chiên. Mùa khô 2019- 2020, mặn theo hướng sông Hàm Luông (Bến Tre) đổ ngược vào nhánh sông Tiền khiến 4 xã cù lao lần đầu bị ảnh hưởng mặn. Trong khi đó, phía dòng Cổ Chiên, mặn chưa gây nhiều ảnh hưởng nên có thời điểm, 4 xã cù lao nằm kẹp giữa đôi dòng mặn- ngọt.

Trong khi chưa thể tính chuyện “sống chung”, giải pháp cấp bách tạm thời được đưa ra là ngăn mặn. Theo đó, bên cạnh việc đóng cống ngăn mặn ở phía sông Tiền, một số đập dã chiến đã được dựng lên. Phía sau đập là hệ thống kinh mương được nạo vét để dẫn ngọt từ phía sông Cổ Chiên giúp rửa mặn, đẩy mặn cứu vườn cây. Cũng như những địa phương khác, người dân cù lao Minh bắt đầu nghe ngóng tin độ mặn canh lấy nước tưới vườn và trữ ngọt phục vụ sản xuất, đời sống.

Dự án nạo vét kinh Mây Phốp- Ngã Hậu (thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) giúp đẩy mặn, cấp ngọt bổ sung cho 6.000ha đất lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm.
Dự án nạo vét kinh Mây Phốp- Ngã Hậu (thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) giúp đẩy mặn, cấp ngọt bổ sung cho 6.000ha đất lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, để ứng phó với hạn- mặn, trước mắt cần tăng cường khả năng trữ nước thông qua vận hành hệ thống thủy lợi cũng như sự chủ động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp thủy lợi tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống hạn, mặn. Bên cạnh, giải pháp chuyển tải nước từ vùng nước ngọt (Bắc sông Măng Thít) tiếp cho vùng bị nhiễm mặn (Nam sông Măng Thít) vào mùa khô thông qua việc cải tạo, nạo vét, mở rộng các tuyến kinh trục lớn nối với sông Măng Thít.

Làm việc với các tỉnh ĐBSCL về ứng phó hạn, mặn mùa khô 2020- 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng chúng ta cần nhận thức hạn hán, xâm nhập mặn là không thể tránh, buộc chúng ta phải sống chung. Đây là nguy cơ nhưng cũng là thời cơ nếu chúng ta biết tận dụng những mặt tích cực để phát triển kinh tế.

Nhà vườn cù lao Dài (Vũng Liêm) khôi phục sản xuất sau thời gian sầu riêng bị nhiễm mặn.
Nhà vườn cù lao Dài (Vũng Liêm) khôi phục sản xuất sau thời gian sầu riêng bị nhiễm mặn.

Và trong những nỗ lực để sống chung với hạn- mặn, thời gian qua, một số công trình ngăn mặn, trữ ngọt quy mô lớn được đầu tư tại ĐBSCL. Trong đó, tiểu dự án kiểm soát nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít có năng lực kiểm soát mặn cho 28.459ha đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Các cống Tân Dinh (giáp giới 2 huyện Trà Ôn- Vĩnh Long và Cầu Kè- Trà Vinh) và cống Vũng Liêm thuộc dự án này đã phát huy hiệu quả ngăn mặn cho tỉnh Vĩnh Long trong mùa khô 2019- 2020. Riêng dự án nạo vét kinh Mây Phốp- Ngã Hậu (thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) kịp thời ứng phó với hạn- mặn mùa khô 2019- 2020, giúp đẩy mặn, cấp ngọt bổ sung cho 6.000ha đất lúa và 1.461ha đất trồng cây ăn trái của huyện Vũng Liêm.

Trước đây, hạn- mặn có chu kỳ từ 10- 12 năm, thì nay dưới tác động của biến đổi khí hậu, chu kỳ này đã bị rút ngắn lại còn 4 năm. Nhưng nhiều khả năng mùa khô hàng năm có thể sẽ trở thành mùa hạn- mặn. Nông nghiệp vốn “mẫn cảm” với thiên tai, hạn- mặn. Nhưng trong thế khó, nông nghiệp Vĩnh Long đã “đứng mũi chịu sào”, gồng mình vượt qua hạn- mặn để tăng trưởng. Xác định hạn- mặn là khó tránh, dù muốn hay không, miền sông nước cũng phải học cách sống chung với nó.

Bài, ảnh: THÀNH LONG