Nhìn lại sản phẩm Tam Bình

Cập nhật, 06:51, Thứ Hai, 15/02/2021 (GMT+7)

 

Cam là trái cây chủ lực ở huyện.
Cam là trái cây chủ lực ở huyện.

(VLO) Trong khí trời se se lạnh của tháng Chạp, tôi trở lại Tam Bình ngắm những vườn cam sành xanh ngút ngàn “cho đã con mắt”, uống ly nước cam, ăn cái bánh tráng xếp mới ra khuôn nóng hổi; hít hà mùi thơm kẹo mứt tết hay nhâm nhi những cọng hủ tiếu tươi. Thưởng thức và trải nghiệm với những sản phẩm của Tam Bình để thấy yêu thấy quý hơn vùng đất quê hương mình- nơi cây lành trái ngọt.

Từ sản phẩm truyền thống

Bánh kẹo của Công ty TNHH Sơn Hải- Vĩnh Long là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Tam Bình.
Bánh kẹo của Công ty TNHH Sơn Hải- Vĩnh Long là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Tam Bình.

Tam Bình có lợi thế với nhiều đặc sản địa phương như cam sành, thanh long ruột đỏ,… hay các sản phẩm chế biến như bánh tráng xếp, kẹo Sơn Hải, hủ tiếu tươi Sáu Thạnh,…

Công ty TNHH Sơn Hải- Vĩnh Long đang gia tăng sản xuất chuẩn bị hàng cung ứng cho tết. Vừa vào nơi sản xuất, tôi đã ngửi thấy mùi thơm nức mũi của bơ đậu phộng, của mạch nha, hạt điều rang vàng giòn quyện vào nhau thành một mùi thơm rất đặc trưng- mùi tết.

Kẹo hạt điều Sơn Hải mới ra lò.
Kẹo hạt điều Sơn Hải mới ra lò.

Chú Lê Văn Hoàng- Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải- Vĩnh Long nói về những ngày đầu từ Sài Gòn về Vĩnh Long lập nghiệp 40 năm về trước với kẹo thèo lèo và cốm.

“Cứ bước vào tháng 10 âm lịch là rục rịch làm thèo lèo, nhân công có khi lên đến 80 người, làm một mạch đến tận tối để kịp ra lò khoảng 3 tấn thèo lèo mỗi ngày”- chú Hoàng kể. Bây giờ thì nhiều công đoạn máy móc đã thay thế con người, sản xuất nhanh hơn và an toàn vệ sinh thực phẩm hơn.

Những viên kẹo thèo lèo ngày đó cứng ngắt nhưng đã đắt hàng “cung không đủ cầu”. Ngày nay, những viên kẹo hạt điều, kẹo đậu phộng, kẹo bơ Sơn Hải càng đắt hàng vì ngon và chất lượng.

Điểm thú vị của kẹo này là khi cầm cảm giác rất cứng nhưng khi cắn thì lại giòn tan, dễ nhai dù là các cụ cũng có thể nhai được. Độ ngọt vừa phải và độ béo tự nhiên của các loại hạt rang vàng đều được phát huy tối đa. Nhấm nháp với trà ô long trong không khí se se lạnh thì không gì “vi diệu” bằng.

 

Đặc sản bánh tráng xếp Tam Bình.
Đặc sản bánh tráng xếp Tam Bình.

Làng nghề bánh tráng giấy Tường Lộc thuộc huyện Tam Bình đã tồn tại và phát triển trên 30 năm, sản phẩm chủ yếu của làng nghề là bánh tráng giấy, bánh gói xôi, bánh xếp quặn,... Hiện có khoảng 100 hộ sản xuất bánh trong làng nghề, mỗi năm đem lại giá trị sản xuất gần 2 tỷ đồng.

Các loại bánh của làng nghề được người tiêu dùng đánh giá là giòn và béo hơn những nơi khác. Hàng trăm lao động ở xã Tường Lộc sống gắn bó với nghề làm bánh này. Khác với trước đây đổ bánh bằng lò củi, người dân làng nghề nay có lò điện, làm bánh nhanh và tiết kiệm hơn lại an toàn vệ sinh thực phẩm. Cô Nguyễn Thị Thu- người có hơn 30 năm làm bánh- cho biết: “Đổ bằng khuôn điện vầy nhanh hơn, nếu trước đây tôi làm 1 lần 2 khuôn thì giờ có thể làm 3 khuôn”.

Đến sản phẩm chất lượng, an toàn

Từ sản phẩm truyền thống, người dân làng nghề đã chú ý nâng chất lượng và hình thức sản phẩm. Chúng tôi đến cơ sở sản xuất hủ tiếu tươi Sáu Thạnh ở xã Ngãi Tứ khi bà chủ Nguyễn Thị Hận đang lui cui thử nghiệm loại hủ tiếu gấc.

Cô Hận cười hiền khô, nói: “Nghề này từ thời ông nội tôi ở đây đã có, rồi con cháu làm theo và phát triển thêm những dòng sản phẩm mới, ngon và an toàn vệ sinh thực phẩm hơn”. Cơ sở Sáu Thạnh không chỉ nổi tiếng bởi hủ tiếu tươi mà còn có bún, bánh tằm phân phối các tỉnh vùng ĐBSCL rồi TP Hồ Chí Minh hay các siêu thị và chợ truyền thống.

 

Hủ tiếu tươi Sáu Thạnh ngon lành.
Hủ tiếu tươi Sáu Thạnh ngon lành.

Cọng hủ tiếu tươi được sản xuất trong quy trình khép kín. Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở còn trực tiếp mua gạo của công ty uy tín về xay bột. Hủ tiếu được sấy khô vừa phải nên vẫn còn độ dẻo, dai. Khi ăn có vị ngọt của bột gạo, vương lại chút bùi bùi.

Cô Hận nói: “Ngày xưa làm hủ tiếu khô, hủ tiếu thủ công phải đem ra sân phơi, trời mưa nhiều khi đem vào không kịp là hư, hủ tiếu bị chua hết”. Hiện tại, cô Hận đang thử nghiệm cho ra đời loại hủ tiếu mới từ gạo thảo dược và hủ tiếu gấc để hủ tiếu vừa đẹp vừa ngon lại tốt cho sức khỏe.

Từ những ngày đầu “chạy xe đi đến từng nơi giới thiệu sản phẩm của mình” nay các loại kẹo và mạch nha của Sơn Hải đã có mặt khắp 3 miền. Để xây dựng thương hiệu, chú Hoàng không chỉ đầu tư máy móc thiết bị mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm bằng nguồn nguyên liệu rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chú Hoàng cười: “Minh sản xuất theo ISO mà, phải đảm bảo quy trình chứ. Đường, bột của các công ty uy tín dù có mắc hơn đường trôi nổi ngoài thị trường nhưng không thể vì vậy mà ham lời giảm chất lượng sản phẩm”.

Không chỉ xây dựng thương hiệu bằng chất lượng, Công ty TNHH Sơn Hải- Vĩnh Long còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở Tam Bình và địa phương lân cận là TX Bình Minh.

Với số công nhân khoảng 80 người, mỗi người thu nhập khoảng 7 triệu đồng/ tháng. Năm mới này, Sơn Hải cho ra mắt sản phẩm mới là kẹo ngũ cốc với nhiều loại hạt khác nhau tạo hương vị mới cho khách hàng.

Những người dân làng nghề đã học hỏi và làm ra nhiều loại bánh mới: bánh xếp ngò, bánh ống, bánh sâm banh,… và gần đây là bánh dúng, bánh xếp quặn mặn. Tiêu thụ nhiều nhất vẫn là bánh xếp quặn, nhìn từ trên xuống như một đóa hoa hồng với nhiều lớp cánh hoa. Bánh rất giòn, độ ngọt vừa phải và béo. Cô Thu cười, nói: “Ăn bánh này yên tâm, không có đường hóa học đâu vì có nó vô là bột cứng ngắt xếp không được”.

Nhờ có sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, nhiều hộ ở làng nghề đã đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, cải tiến bao bì, mẫu mã nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong thời gian sắp tới.

Trên đường về Vĩnh Long, tôi còn nghe thoang thoảng trong gió mùi bánh trái, kẹo mứt, nôn nao thấy tết đến xuân về. 

 

Ông Nguyễn Quốc Thái- Chủ tịch UBND huyện Tam Bình- cho biết: UBND huyện Tam Bình phê duyệt Đề án “Phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn huyện. Kết quả, năm 2019 có 4 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP là: cơm sấy Nhật Quỳnh, bánh xếp Tường Lộc, Thanh Long ruột đỏ và hủ tiếu tươi Sáu Thạnh. Năm 2020, chúng tôi tiếp tục xét các sản phẩm: lúa ST 24, cam sành Khánh Nhân và 5 sản phẩm nước chấm xã Tân Phú. Mục tiêu của huyện là nâng cao giá trị sản phẩm địa phương, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho bà con.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN