Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo động lực đột phá

Cập nhật, 07:17, Chủ Nhật, 14/02/2021 (GMT+7)

 

Mùa thu hoạch lác ở ấp Đức Hòa (xã Trung Thành Đông).
Mùa thu hoạch lác ở ấp Đức Hòa (xã Trung Thành Đông).

(VLO) Đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Đó là các khâu đột phá của Đảng bộ huyện Vũng Liêm trong nhiệm kỳ tới.

Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhiều hiệu quả

Qua tổng kết thực hiện kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp Vũng Liêm giai đoạn 2014- 2020, cho thấy các mô hình tiếp tục phát triển mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao cho nông dân, như: sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP, nuôi cá lóc, nuôi lươn thương phẩm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp- thủy sản của huyện năm 2020 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 3.600 tỷ đồng.

 UBND huyện cho biết, cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp hiện nay: trồng trọt 64,4%, chăn nuôi 29,83%, dịch vụ 5,77%. Bình quân giá trị sản phẩm 171 triệu đồng/ha (tăng 3 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm 2019).

Một tuyến đường của thị trấn Vũng Liêm.
Một tuyến đường của thị trấn Vũng Liêm.

Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm cho biết, huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến nay, phát triển vùng cây ăn trái đúng định hướng chuyên canh, tập trung với diện tích tăng hàng năm.

Kết quả chuyển dịch theo đúng định hướng giảm dần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và rau màu. Xây dựng cánh đồng lớn tập trung phát triển vùng lúa chất lượng cao 5.000ha (chiếm 40% diện tích sản xuất lúa).

Giai đoạn 2017- 2020, Vũng Liêm đã chọn 3 nông sản chủ lực: cây có múi gồm: bưởi da xanh, cam sành; cây lúa; con bò và 6 sản phẩm tiềm năng lợi thế gồm: xoài cát núm, dừa, lác, nấm rơm, heo, gia cầm để tập trung chỉ đạo phát triển.

Năm qua, Vũng Liêm sản xuất 3 vụ lúa với tổng diện tích 36.619ha (đạt 142,8% kế hoạch), năng suất bình quân 6,23 tấn/ha, sản lượng 228.137 tấn, lợi nhuận 25%.

Tổng diện tích vườn 10.326ha (chiếm 42,7% đất nông nghiệp). Lĩnh vực chăn nuôi phát triển khá mạnh, với đàn bò nhiều nhất tỉnh với hơn 32.000 con, đàn heo gần 79.000 con, đàn gia cầm hơn 1,36 triệu con; còn ở thủy sản có nuôi cá ruộng lúa, mương vườn và nuôi cá tra xuất khẩu.

Vợ chồng cô Hai ở xã Trung Hiếu đang dọn cỏ bờ thửa ruộng để chiều trục đất rồi hôm sau xuống giống vụ Đông Xuân. Cô nói làm ruộng bây giờ máy móc hiện đại đã giúp nhà nông nhiều lắm, nhưng một số việc vẫn cần bàn tay mình chăm chút và “phải mần vất vả thì mới vui với hột lúa”.

Phát triển công nghiệp, đô thị và xây dựng nông thôn mới

 

Nông dân vui mùa lác mới.
Nông dân vui mùa lác mới.

Anh Thanh Nhàn cùng các nhân công và chủ ruộng lác đang ngồi chẻ lác trên ruộng. Hình ảnh quen thuộc này tôi gặp rất nhiều ở xã Trung Thành Đông- nơi được xem là “thủ phủ” trồng lác của Vũng Liêm. Toàn huyện có trên 300ha trồng lác thì xã này đã hơn 220ha.

“Người làm nghề với cây lác cực gấp năm bảy lần so trồng lúa, nhưng đổi lại lời cũng khoảng đó so với làm lúa”- anh Nhàn chia sẻ thêm, người lao động ở đây đa số làm nghề lác.

Xuất phát từ các xã cù lao, cây lác lan dần về vùng này và phù hợp thổ nhưỡng rồi hình thành nên vùng trồng lác Trung Thành Đông bây giờ.

Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp của Vũng Liêm năm 2020 đạt hơn 610 tỷ đồng, tăng 2,52% so với năm trước.

Năm qua, lĩnh vực này trên địa bàn đã được tập trung chỉ đạo triển khai tốt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để khôi phục và phát triển kinh tế.

Trong chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Vũng Liêm lập thủ tục đề nghị bình chọn 4 sản phẩm, gồm: trà thảo dược, sữa chua gạo tím, cốm Hoàng Trang và chiếu lác Thành Đông.

Ở lĩnh vực đô thị, theo Phòng Kinh tế- Hạ tầng, từ năm 2015- 2020, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị khá đồng bộ với kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Đánh giá các tiêu chí đô thị loại IV đến thời điểm hiện tại đạt 72,88/100 điểm.

Đây là động lực để tiếp tục đầu tư phát triển thị trấn đạt chuẩn đô thị loại IV giai đoạn 2020- 2025. Từ cơ sở chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, sẽ là động lực đẩy mạnh phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới. Huyện Vũng Liêm phấn đấu đến năm 2025, có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo đồng chí Lê Văn Lập- Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vũng Liêm, Đại hội Đảng bộ huyện Vũng Liêm lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020- 2025) đề ra các khâu đột phá: đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. 

Đại hội đã đưa ra 16 chỉ tiêu chủ yếu, cùng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện thắng lợi nghị quyết nhiệm kỳ của Đảng bộ huyện.

Bài, ảnh: MINH THÁI