Lĩnh vực kinh tế nông nghiệp với nhiệm vụ tiên phong

Cập nhật, 18:15, Chủ Nhật, 14/02/2021 (GMT+7)

 

Vườn cam sành đang vào lứa trái của hộ nông dân ở xã Vĩnh Xuân.
Vườn cam sành đang vào lứa trái của hộ nông dân ở xã Vĩnh Xuân.

(VLO) Huyện Trà Ôn định hướng và phát triển lĩnh vực kinh tế nông nghiệp (vườn cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi gia cầm, thủy sản) đã khá bền vững trong các năm qua. Lĩnh vực này tiếp tục là nhiệm vụ tiên phong trong những năm tới, nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội huyện nhà.

“Thâm canh cây cam sành trên đất lúa”

Anh Nguyễn Văn Chiến (xã Vĩnh Xuân) thuê 8 công ruộng của họ hàng để trồng cam sành 5-7 năm qua. Anh nói giá cam sành hiện đang ở mức 7.000- 8.000 đ/kg loại tốt và với giá ấy dù công cán, chi phí ban đầu cao nhưng vẫn có lời.

Cách con mương nội đồng, một bên là vườn cam đang đợt trái khoảng 1/3 diện tích, bờ bên kia vợ anh Chiến và người làm công đang tỉa đọt vườn cam tơ chiếm phần lớn khu đất trồng cam này.

Anh Trần Thanh Diễm- cán bộ nông nghiệp UBND xã Thới Hòa- trong câu chuyện với chúng tôi về cây cam sành, cho biết đến nay trong 8 ấp ở xã, một số ấp đã “phủ kín” cây cam sành. Đa số hộ dân trồng cam sành trên đất lúa. Người có điều kiện thì lên vườn cam, nhà ít điều kiện thì cho thuê đất lúa từ nhu cầu của nhiều “chuyên gia” trồng cam sành các địa bàn lân cận.

Diện tích cây có múi này tăng gần 1.800ha trong năm qua.
Diện tích cây có múi này tăng gần 1.800ha trong năm qua.

Các hộ nông dân trồng cam sành ở Trà Ôn cho rằng, với năng suất bình quân 12 tấn/ha và giá bán dao động 8.000-12.000 đ/kg, người trồng cam sành lời 150-180 triệu đồng/ha. Và con số này luôn dao động tùy vào vụ mùa trong năm cũng như thị trường tiêu thụ.

Cây cam sành đến nay chiếm nhiều nhất ở các xã Thới Hòa, Vĩnh Xuân, Hựu Thành, Thuận Thới,... và bén rễ qua các xã Trà Côn, Tân Mỹ...

Trong hội thảo với các nhà khoa học ở Cần Thơ và trong đời sống sản xuất của đa số người dân trồng cam sành, đã có khái niệm “thâm canh cây cam sành trên đất lúa”.

Điều đó phần nào phản ánh, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp các năm qua gắn kết gần như chủ lực với cây cam.

Thực hiện Nghị quyết năm 2020, ở lĩnh vực kinh tế với hoạt động sản xuất nông nghiệp, vườn cây lâu năm của Trà Ôn hiện đạt hơn 14.646ha, tăng 2.423ha so năm 2019 (do chuyển đất lúa lên trồng cam sành, chanh, sầu riêng...).

Trong đó, cây cam sành có hơn 6.567ha (cam sành trên đất lúa 5.364ha, chiếm 81,7% tổng diện tích cam sành), còn lại là: bưởi, nhãn, chôm chôm, xoài, sầu riêng, măng cụt, dừa,...

Trong đó, diện tích cam sành cho hiệu quả kinh tế cao là hơn 2.940ha (chiếm 44,8%). Diện tích cam sành trồng mới năm qua hơn 1.762ha (26,8%).

Người nông dân bên vườn bưởi da xanh.
Người nông dân bên vườn bưởi da xanh.

Đồng thời, diện tích cam sành cho hiệu quả thấp (vườn trên 4 năm tuổi) 1.864ha (28,4%). Nhưng trên mẫu số chung, cây cam sành cho lợi nhuận rất cao so với trồng lúa và nằm trong số các cây trồng cho giá trị kinh tế cao của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Hiện, cam sành cho lợi nhuận 350-400 triệu đồng/ha, bưởi Năm Roi lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha, nhãn Idor 250-280 triệu đồng/ha và nhãn da bò 75-80 triệu đồng/ha.

Tiếp tục đi tiên phong về kinh tế nông nghiệp

Thực tế trong nhiều năm qua đã chứng minh cây cam sành ở huyện Trà Ôn đang bám rễ mạnh mẽ trên đồng đất, đã hình thành nên những vùng sản xuất tập trung, phát triển nhanh và đóng góp lớn vào kinh tế gia đình, kinh tế- xã hội của địa phương.

Anh Chiến, anh Diễm hay các bác nông dân trồng cam sành vẫn một nắng hai sương nhưng với kiến thức và kinh nghiệm có được trong lĩnh vực này, tự họ đã là mỗi thực thể sản xuất mang tính liên kết, dẫu vẫn còn phụ thuộc thị trường tiêu thụ và mùa vụ.

Và điều mà nhiều người đã thấy là, giá trị gia tăng của hoạt động sản xuất này và rộng hơn ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp đã đạt hiệu quả cao trong các năm qua.

Hồi giữa tháng 11/2020, Huyện ủy Trà Ôn báo cáo đoàn giám sát của Tỉnh ủy về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2020 cho biết, lĩnh vực kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện, từ lúa, màu, nhất là cây có múi đến lĩnh vực chăn nuôi (heo, gà, cá). Thể hiện qua giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản tăng 3,88% (trong đó nông nghiệp tăng 4,13%).

Công tác thủy lợi nội đồng ở Trà Ôn (ảnh chụp trên đường liên ấp Cây Điệp- Đục Dông).
Công tác thủy lợi nội đồng ở Trà Ôn (ảnh chụp trên đường liên ấp Cây Điệp- Đục Dông).

Ông Nguyễn Thanh Triều- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn- trao đổi với chúng tôi và cho biết: Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy giám sát đã chỉ đạo huyện Trà Ôn đi tiên phong về kinh tế nông nghiệp.

Phải tạo nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng với cây có múi.

Đặt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng chung của dịch COVID-19 gần một năm qua, thì lĩnh vực này vẫn phải đảm bảo đi tiên phong để tạo ra giá trị, đóng góp chủ lực vào sự phát triển của huyện nhà.

Năm 2021, Trà Ôn tiếp tục xác định lĩnh vực kinh tế nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”, là nhiệm vụ hàng đầu của năm đầu nhiệm kỳ Đảng bộ huyện.

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, huyện sẽ rà soát lại quy hoạch nông nghiệp trên địa bàn, cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, dự kiến nâng lên khoảng 250 triệu đồng/ha so với hiện nay là hơn 180 triệu đồng/ha.

Theo lãnh đạo huyện, trong chỉ đạo ở lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, sẽ tập trung đổi mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn.

Xác định và lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có lợi thế, đáp ứng nhu cầu thị trường, định hình vùng sản xuất tập trung, đối với: cam, bưởi, chanh, nhãn; gà, cá tra, cá lóc. 

Cũng ở lĩnh vực kinh tế, hoạt động kinh tế tập thể của Trà Ôn đến nay đã có 22 hợp tác xã (18 nông nghiệp, 4 phi nông nghiệp) với tổng diện tích đất sản xuất gần 400ha, tổng số vốn 9,6 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 14 trang trại (tăng 4 trang trại so năm 2019) chăn nuôi gà thịt theo quy mô công nghiệp với tổng đàn 376.000 con, tập trung ở xã Tích Thiện, Thiện Mỹ, Trà Côn. Công ty bao tiêu đầu ra (người nuôi được hỗ trợ giá bán 12.000 đ/kg khi xuất chuồng), sau khi trừ chi phí chăm sóc và chi phí khác, người nuôi được đảm bảo lợi nhuận từ 3.500 đ/kg trở lên.

Bài, ảnh: MINH THÁI