Thư giãn cùng tranh đính đá

Cập nhật, 21:29, Thứ Hai, 25/09/2023 (GMT+7)

 

Làm tranh đính đá không chỉ là một thú vui giải trí mà còn là một công việc kiếm thêm thu nhập.
Làm tranh đính đá không chỉ là một thú vui giải trí mà còn là một công việc kiếm thêm thu nhập.

Bên cạnh các loại tranh chữ thập, tranh tô màu số hóa… tranh đính đá cũng nhanh chóng đã trở thành món đồ chơi được chị em phụ nữ yêu thích. Đặc biệt, các chị em còn tranh thủ nhận làm tranh đính đá gia công để cải thiện thu nhập.

Tranh đính đá là một loại tranh in màu, nhiệm vụ của người chơi là sắp xếp, dán các hạt nhựa theo màu, ký hiệu đã được mã hóa sẵn trên bề mặt tranh. Điểm thu hút của tranh đính đá là sự lấp lánh, những hạt nhựa được xếp theo một trật tự nhất định có khả năng bắt sáng tốt, tạo nên bề mặt nổi giúp bức tranh trở nên sống động.

Ngoài ra, tranh đính đá cũng có nhiều kích thước, mẫu mã đa dạng, sau khi hoàn thành có thể được đóng khung làm quà tặng, trang trí. Để hoàn thành một bức tranh đính đá, người chơi cần sử dụng những vật dụng như khay phân loại hạt, nhíp đính hạt, băng dính, thước…

Sau khi bóc lớp giấy bảo vệ mặt tranh, người chơi dùng bút đính để ấn chặt từng hạt nhựa theo mã màu quy định, cứ như vậy cho đến khi hoàn thiện bức tranh. Quá trình làm tranh đính đá tương tự cảm giác “tô màu” sẽ giúp người chơi thư giãn đầu óc, đồng thời rèn luyện tính kiên nhẫn thông qua việc sắp xếp hạt nhựa theo yêu cầu.

Trào lưu tranh đính đá xuất hiện nhiều năm nay, không chỉ là một thú vui mà gia công tranh đính đá còn giúp kiếm thêm thu nhập. Theo dõi các trang nhóm trên mạng xã hội, Thạch Thị Pô Thi (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) biết đến nhiều xưởng tranh tuyển thợ gia công tranh đính đá nên đã thử sức với công việc “giết thời gian có ích” này trong gần 1 năm.

“Hiện tôi đang nhận làm tranh qua mạng cho một xưởng sản xuất tranh thủ công tại Đà Lạt. Sau khi kết thúc công việc tại cơ quan, tôi thường dành 1-2 tiếng/ngày để hoàn thiện các bức tranh của mình. Công việc này cũng không quá phức tạp, chỉ cần tỉ mỉ, đủ kiên nhẫn là có thể hoàn thành và nhận được thù lao”- Pô Thi nói.

Pô Thi cho hay, chủ xưởng tranh thường sẽ thêm thợ làm online vào một nhóm để trao đổi thông tin, gửi video hướng dẫn cách làm, ký hợp đồng, tranh sẽ được gửi đến tận nhà kèm dụng cụ cần thiết. Tùy theo kích thước của mỗi bức tranh, sẽ phải chuyển cọc trước cho xưởng khoảng 150.000đ, căn cứ theo thời hạn ghi trên hợp đồng mà hoàn thành sản phẩm gửi về xưởng, xưởng sẽ kiểm tra lại và chuyển trả tiền công theo thỏa thuận ban đầu.

Phải mất thời gian trên dưới 1 tuần thì Pô Thi sẽ hoàn thành một bức tranh có kích thước dưới 50cm, đôi khi cần nhiều thời gian hơn cho những bức tranh lớn, có độ khó cao.

Theo Pô Thi: “Để không quá sức sau giờ làm việc, tôi chỉ nhận những bức tranh vừa phải, không quá khó để vừa giải trí vừa kiếm tiền. Tiền công mỗi bức tranh đính đá cũng tùy thuộc vào kích thước và mẫu tranh.

Nếu tôi làm đều cả tháng cũng được gần 1 triệu đồng, ngoài thu nhập cố định từ lương cơ bản thì việc làm này cũng giúp tôi có thêm một khoản thu nhập để trang trải sinh hoạt. Tôi nghĩ nếu những ai chăm chỉ, nhiều thời gian rảnh thì cả tháng làm được nhiều tranh hơn, những thợ làm lâu năm, dày dặn kinh nghiệm thì thu nhập tầm khoảng 3-5 triệu đồng”.

Nhìn đôi tay Pô Thi thoăn thoắt đính từng hạt nhựa vào toàn bộ bức tranh mới thấy đây là công việc “đo” độ kiên nhẫn đến dường nào. Những hạt nhựa được xếp theo quy tắc, người thợ cũng phải tuân thủ những yêu cầu của một bức tranh đạt chuẩn. “Thấy màu sắc lấp lánh rất thích mắt nhưng nếu ngồi làm lâu trong tư thế không đúng thì cũng bị đau lưng, mỏi cổ, thậm chí là bị mỏi mắt nếu ánh sáng không tốt.

Nhưng ngược lại làm riết thành ra bị ghiền, có bữa cặm cụi làm quên ăn quên ngủ. Cũng nhờ công việc này mà tôi được kết nối với nhiều chị em trong nhóm làm tranh, mọi người rất chịu khó quay video hướng dẫn, gửi hình ảnh quá trình làm để động viên, sửa lỗi cho nhau”- Pô Thi tâm sự.

Đại diện đại lý gia công tranh đá trên đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4, TP Vĩnh Long), anh Phạm Triệu cho biết: “Khác với mục đích giải trí hay dùng tranh đính đá để trang trí trong nhà, tranh làm gia công đòi hỏi độ chính xác cao, thợ phải tỉ mỉ, khéo léo và hoàn thành trong khoảng thời gian thỏa thuận.

Cơ sở chúng tôi quy định thời gian hoàn thành là 2 tháng. Trước khi cho thợ nhận tranh về làm, chúng tôi có ký hợp đồng nói rõ các điều khoản, yêu cầu về chất lượng tranh đạt, những lỗi sai cần tránh, quy trình kiểm tra và sửa tranh...

Trung bình một người thợ quen tay, dư dả thời gian chỉ mất 1-2 ngày để làm xong một bức tranh, nhưng cũng có người làm gần 1 tháng mới xong một bức tranh. Tùy theo kích thước tranh cũng như mức độ yêu cầu, tiền công sẽ dao động từ 150.000-400.000 đ/bức tranh.

Tuy nhiên, thợ phải chịu trách nhiệm bảo quản, giữ gìn tranh trong quá trình gia công, nên cơ sở yêu cầu thợ cọc trước một số tiền tương đương với giá trị của tranh mà chúng tôi giao. Sau khi kiểm tra tranh của thợ được đính đúng màu đá, chắc chắn, đúng ký hiệu, không bụi bẩn, không trầy, rách thì chúng tôi sẽ trả tiền công và tiền cọc”.

Cũng là đại lý chuyên nhận gia công cho các xưởng tranh, theo chị Trần Thị Mỹ Tiên (xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình), làm tranh đính đá cần phải khéo léo, cẩn thận.

Công việc này đang dần trở thành nghề tay trái của nhiều chị em phụ nữ, giúp họ có thêm nguồn thu nhập cải thiện kinh tế gia đình. Sắp tới tôi sẽ đầu tư mở xưởng tranh để chị em địa phương được nhận tranh và thanh toán tiền trực tiếp mà không qua trung gian, không phải đợi gửi về xưởng kiểm như hiện tại.

Có thể thấy, làm tranh đính đá là công việc giúp người lao động kiếm thêm thu nhập nhưng đòi hỏi người làm phải có nhiều thời gian, kiên nhẫn, tỉ mỉ cao. Bên cạnh, theo một số thợ nhận làm tranh đính đá qua mạng thì hiện nay trên các hội nhóm tìm việc đang tràn ngập tin tức tuyển thợ gia công tranh, đồ handmade tại nhà với những cam kết hấp dẫn, nhưng cũng có không ít trường hợp sau khi thợ gửi sản phẩm thì phía xưởng liên tục báo lỗi, không đạt, chỉ gửi lại sản phẩm “lỗi” cho thợ và không trả cọc cũng như tiền công.

Pô Thi chia sẻ: “Lúc mới làm, tôi đã gặp trường hợp làm xong thì bên giao từ chối nhận tranh dù tôi đã chỉnh sửa nhiều lần theo yêu cầu, nản quá nên tôi đóng khung rồi treo trong nhà luôn. Từ đó tôi rút kinh nghiệm mỗi khi nhận tranh qua mạng thì sẽ theo dõi, đọc kỹ các nội dung bình luận bên dưới bài viết của họ để đánh giá mức độ tin cậy. Trước khi nhận làm, tôi cũng yêu cầu được biết các thỏa thuận, ký hợp đồng, nắm rõ thông tin tiền công, giá thành sản phẩm để tránh trường hợp bị lừa đảo như trước”.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN