Cẩn trọng sốc sốt xuất huyết

Cập nhật, 06:07, Thứ Sáu, 16/12/2022 (GMT+7)
Trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết nặng điều trị tại BVĐK Triều An- Loan Trâm.
Trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết nặng điều trị tại BVĐK Triều An- Loan Trâm.

(VLO) Từ giữa tháng 10 đến nay tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh được khống chế khá tốt với số ca bệnh ghi nhận hàng tuần giảm liên tục. Song, các ca bệnh nặng vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao. Ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan khi bị sốt, vì các trường hợp nặng, tử vong do SXH được ghi nhận phần lớn do đưa đến bệnh viện trễ, có biến chứng khó điều trị.

Trẻ bị tái sốc SXH

Theo ngành y tế tỉnh, số ca mắc SXH mới trên địa bàn liên tục giảm, trung bình 20 - 30 ca/tuần so với các tháng trước nhưng bệnh nặng khá cao. Các bệnh viện, trung tâm y tế tiếp nhận khá nhiều trường hợp mắc SXH vào sốc diễn tiến bệnh nặng.

Theo các bác sĩ điều trị, do người nhà đưa đến bệnh viện trễ nên hầu hết các trường hợp nhập viện đã có sốc SXH và tái sốc. Các bác sĩ phải theo dõi sát, điều trị tích cực mới giúp bệnh nhân hồi phục.

Tại phòng hồi sức cấp cứu nhi, BVĐK Tư nhân Triều An - Loan Trâm, 4 bệnh nhi đang điều trị đều mắc SXH vào sốc, diễn tiến nặng.

Chị Nguyễn Thị Mơ (TP Vĩnh Long) cho biết: “Mấy ngày đầu, gia đình nghĩ con bị nhiễm sốt siêu vi thôi, có đưa đi khám ở ngoài và có uống thuốc. Nhưng con sốt 3 ngày liên tục không giảm nên đi bệnh viện. Xét nghiệm biết SXH, bác sĩ cho nhập viện ngay và nói cháu bị SXH nặng, tái sốc nên phải theo dõi tích cực”.

Có con gái 13 tuổi vừa khỏi bệnh sau 8 ngày điều trị SXH sốc tích cực, chị Nguyễn Thị Loan Chi (xã An Bình, huyện Long Hồ) thở dài: “Cũng do tôi chủ quan, cứ nghĩ con sốt cảm thông thường nên cứ uống thuốc và con sốt 4 ngày mới đi bệnh viện”.

ThS.BS Huỳnh Thị Mỹ Hà - Phó Khoa Nhi BVĐK Tư nhân Triều An - Loan Trâm, cho biết: Đa số những ca nhập viện bệnh nặng là do tâm lý chủ quan của người nhà, đa số bé sốc SXH độ 3. Các trường hợp nặng điều trị tại khoa đều từ mức cảnh báo trở lên, cần phải theo dõi và điều trị sát sao.

Cũng theo bác sĩ Mỹ Hà, bệnh SXH có 4 type, trẻ em, người lớn đã mắc SXH type 1 vẫn có thể tái nhiễm với các type còn lại và nặng hơn lần đầu. Hiện, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị, do đó người dân cần cảnh giác và chấp hành các khuyến cáo phòng chống dịch của cơ quan y tế.

Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Nhập viện trễ gây nguy hiểm

Theo các bác sĩ điều trị, bệnh SXH năm nay diễn tiến rất bất thường, với các triệu chứng bệnh lý khá đa dạng và chuyển biến nhanh từ nhẹ sang nặng. Bên cạnh đó, là sự chủ quan của người dân, khi thấy hết sốt cứ nghĩ là hết bệnh nên không đi khám nhưng đó là giai đoạn chuyển nặng của bệnh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 3.300 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Ngành y tế cũng đã phát hiện xử lý gần 900 ổ dịch SXH nhỏ, tăng 9 lần so năm trước.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công - Phó Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, nếu phát hiện SXH sớm, bệnh nhân được chỉ định bù dịch đầy đủ thì sẽ hồi phục dễ dàng. Ngược lại, nếu bệnh nhân không được phát hiện và xử trí kịp thời thì có thể rơi vào tình trạng sốc, mạch nhanh, tụt huyết áp.

Tình trạng sốc này nếu để kéo dài sẽ tiến triển thành sốc không hồi phục và có thể gây suy đa phủ tạng, dễ dẫn đến tử vong. Từ lúc bệnh biến chứng đến khi tử vong chỉ từ 5 - 6 giờ, nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngành chuyên môn dự báo, tình hình bệnh SXH trên địa bàn tỉnh giảm nhưng số ca mắc vẫn còn tiếp tục ghi nhận và ca bệnh nặng khá nhiều nên người dân không được chủ quan, mà cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng và phòng muỗi đốt. Đây là biện pháp hiệu quả trong phòng chống SXH hiện nay.

“Người dân cần chú ý phòng bệnh ngay từ bây giờ, đặc biệt là không tự ý điều trị tại nhà. Cần đưa trẻ đến bệnh viện khi có dấu hiệu sốt, trẻ thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt, không ăn uống được, nôn ói nhiều, đau bụng nhiều, tay chân lạnh, mệt bứt rứt, chảy máu mũi - miệng hoặc xuất huyết âm đạo, không tiểu trên 6 giờ,... Phụ huynh chú ý diễn biến bệnh ở những trẻ béo phì, bệnh mãn tính để kịp thời phát hiện bệnh trở nặng, báo ngay cho nhân viên y tế”- bác sĩ Trần Chí Công lưu ý.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN