Nâng cao chất lượng dân số từ Đề án sàng lọc sơ sinh

Cập nhật, 05:54, Thứ Tư, 14/12/2022 (GMT+7)
Thai phụ cần đến khám và thực hiện sàng lọc tại các cơ sở y tế.
Thai phụ cần đến khám và thực hiện sàng lọc tại các cơ sở y tế.

(VLO) Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp trẻ phát triển bình thường, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Nhiều trường hợp nguy cơ được phát hiện, điều trị kịp thời

Sàng lọc sơ sinh bằng cách xét nghiệm máu gót chân trẻ sơ sinh để phát hiện các bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết và chuyển hóa thường gặp.

Tại Vĩnh Long sau hơn 10 năm triển khai, đề án sàng lọc sơ sinh đã và đang phát huy hiệu quả, với nhiều trẻ mắc bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhờ phát hiện sớm con gái bị thiếu men G6PD thông qua xét nghiệm máu gót chân, chị Huỳnh Thị Lan O. (Vũng Liêm) đã tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nhân viên y tế.

“Bác sĩ tư vấn mẹ cho con bú cữ ăn các loại đậu và không cho bé ăn đậu luôn. Khi bé bệnh phải đến trạm hoặc bệnh viện khám. Gia đình tôi đều làm theo, tới nay cháu phát triển bình thường, đã học lớp 8”- chị Lan O. cho biết.

Ông Lý Thái Sơn - Trưởng Phòng Dân số truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ - Vũng Liêm, cho biết: “Qua triển khai đề án sàng lọc trước sinh sơ sinh đến thời điểm này huyện quản lý trên 10 trẻ thiếu men, 1 trẻ bị suy giáp. Qua thời gian theo dõi quản lý tư vấn, các trẻ phát triển, đi học bình thường như trẻ khác”.

Sàng lọc sơ sinh bằng cách lấy máu gót chân trẻ sơ sinh trong 48 - 72 giờ đầu sau sinh xét nghiệm sẽ giúp phát hiện 5 bệnh lý liên quan đến rối loạn nội tiết, chuyển hóa thường gặp như thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh, Phenylketon niệu và rối loạn chuyển hóa Galactose. Đây là các bệnh lý khi phát hiện sẽ có thể điều trị khỏi và dự phòng giúp trẻ phát triển bình thường.

Sự đồng thuận thực hiện sàng lọc sơ sinh vì sức khỏe con trẻ của phụ huynh sẽ là tiền đề quan trọng để Vĩnh Long hướng đến mục tiêu có được nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng và phát triển đất nước.

Được các y bác sĩ tư vấn, chị Trúc L. (TP Vĩnh Long) hiểu rằng em bé nào cũng có khả năng mắc một số bệnh bẩm sinh, tuy nhiên, có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Vì vậy, khi vừa sanh con tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, chị L. cảm thấy yên tâm và tin tưởng khi cán bộ y tế lấy máu gót chân của con để sàng lọc.

Chị chia sẻ: “Theo tôi hiểu, lấy máu gót chân với mục đích để kiểm tra xem cháu có thiếu men làm cho cháu không thông minh, lớn lên có thể cháu sẽ bị đần độn. Do đó, lấy máu gót chân là rất cần thiết. Nếu phát hiện kịp thời sẽ được chữa trị và giúp cháu lớn lên thông minh hơn”.

Sàng lọc vì lợi ích lâu dài

Xác định sàng lọc trước sinh, sơ sinh có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, Vĩnh Long đã ban hành các kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn xét nghiệm, siêu âm... Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, qua hơn 10 năm triển khai đề án sàng lọc sơ sinh, Vĩnh Long có trên 45.000 trẻ sơ sinh được xét nghiệm máu gót chân để tầm soát bệnh lý.

Qua đó, gần 300 trẻ có các bất thường sơ sinh đã được phát hiện và hỗ trợ chăm sóc dự phòng nên tất cả đều phát triển khỏe mạnh.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sàng lọc trước sinh là hoạt động can thiệp đối với thai phụ thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như: hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, di truyền tế bào, rối loạn chuyển hóa…

Còn sàng lọc sơ sinh là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm máu gót chân trong 48 - 72 giờ sau khi trẻ chào đời, nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ như: thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh...

Sinh con lành lặn, khỏe mạnh là mong ước của tất cả các bậc cha mẹ. Việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh không chỉ là chuyện riêng của gia đình nào mà chính là bước đi lâu dài của ngành dân số nói riêng và cả xã hội nói chung.

Qua đó giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN