Bèo dạt mây trôi

Cập nhật, 07:59, Chủ Nhật, 08/05/2022 (GMT+7)

 

Đan lục bình. Ảnh: Thái Hồng
Đan lục bình. Ảnh: Thái Hồng

(VLO) Tuổi thơ nơi sông nước mấy ai không biết lục bình. Lục bình lững lờ trên sông với mấy cánh cò, lục bình trong ao vườn, trong ruộng lúa, lục bình có trong mâm cơm con nhà nghèo. Lục bình được ví như thân phận người “...Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi, anh ơi, em vẫn đợi...”

Bèo nhờ sen khi sương sa ấm gốc

Sen nhờ bèo khi nắng sốc mưa vùi

Sen chê bèo lại xin lui

Để mình sen ở lại những

ngậm ngùi nhớ thương!

Lục bình, dân gian gọi rau mác hoặc bèo. Bèo có nhiều loại: Bèo cám, bèo tai voi, bèo tai chuột, bèo Nhật Bản… Lại có loại bèo được tấn cấp thăng thiên vào vũ trụ để trở thành nguồn thực phẩm của tương lai là bèo hoa dâu. Tùy thời, chữ bèo nó vận vào mà phận có lành hay không. Phận bèo bọt, giá bèo… Ở quê, con gái có tên Bèo, người nghe chạnh lòng về nguồn gốc xuất thân và thân phận buồn của cô…

Không rõ căn cứ vào đâu, một số ý kiến cho rằng lục bình có từ Nam Mỹ du nhập vào Việt Nam năm 1905. Nhưng trong Gia định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã nhắc đến tên lục bình. Trong mục Sơn Xuyên chí, viết:

“Cần Thơ giang

Ở bờ phía Tây Hậu Giang, rộng 8 tầm, sâu 5 tầm, cách trấn về phía Nam 210 dặm rưỡi. Bên bờ phía Tây là thủ sở đạo Trấn Giang, ở đây chợ phố đông đúc, buôn bán rất sầm uất.

Từ sông lớn chảy vào Nam 121 dặm rưỡi ra cửa biển Ba Thắc; từ cửa sông đi lên hướng Tây 8 dặm rưỡi đến ngã ba sông: nhánh phía Bắc chuyển qua hướng Đông 1 dặm rưỡi, thông với sông Bình Thủy rồi ra Hậu Giang (trước đó nửa dặm chảy về Bắc, rồi chuyển qua hướng Đông 1 dặm, chảy ra Ô Môn thông với Hậu Giang); nhánh phía Tây chảy 78 dặm rưỡi đến Nê Trạch (tục gọi là Ba Láng), 165 dặm rưỡi nữa ra cửa Cảng Nhỏ đạo Kiên Giang (tục gọi Cửa Bé).

Đường đi qua chỗ Nê Trạch, từ cuối đông qua xuân nước cạn, bùn nhão cạn lấp; từ hạ qua đông, nước mưa tràn ngập cả bến bờ, ghe thuyền cưỡi lên cỏ, lướt trên lục bình mà đi, chọn đường tới lui, cứ trông theo rừng rậm 2 bên nhận chừng nhớ dấu đường mà đi. Ở đây vắng ngắt không có dân cư, lại có nhiều ruồi muỗi và đỉa khiến người qua lại rất khổ”.

Hơn hai trăm năm trước Trịnh Hoài Đức đã biết và viết về lục bình. Còn nói lục bình có từ bao giờ, thời gian chắc phải lùi xa hơn nữa.

Thời lưu dân đi khai hoang, lục bình đã phủ khắp vùng sông nước. Người ta có thể thiếu gạo ăn chứ không thiếu tôm cá, rắn rùa, ốc hến… Cá dư thì làm mắm. Món mắm chấm với ngó non lục bình… Từ bèo dạt đã thành rau của người nghèo đất phương Nam.

Lục bình giữ đất, chen lẫn với bần, cỏ lác… lọc nước, lắng tụ phù sa tạo nên bãi bồi ven sông rạch. Những bãi bồi sau trở thành khu dân cư trù phú rợp cây ăn trái.

Thuở nhỏ, má thường bảo anh em chúng tôi ra sông cắt rễ lục bình trong rừng bần. Rễ lục bình giặt kỹ cho hết chất phèn và bùn, mang về phơi khô dùng để chiết cây rất tốt. Những vườn mận, ổi cứ tăm tắp ra quả… Khi nhà hết thức ăn, ra sông cùng với chiếc rổ xúc, tép, cá bống ẩn dưới đám lục bình cũng đủ làm cho cả nhà no bữa cơm chiều…

Lục bình làm rau ăn, lục bình ủ làm phân bón… và nhiều công dụng khác. Ngắm lục bình ken đặc ven sông, trôi dập dềnh trên dòng nước lại nghĩ về phận người. Những năm được mùa mất giá, vườn không thu hoạch để trái rụng tự nhiên trôi ra sông rạch, sóng vỗ nhấp nhô cùng lục bình, nhìn theo mà tim rụng mấy lần. Cuộc đời như thể bèo trôi…

Thời đại thay đổi, lục bình bây giờ không còn là bèo, mà tên gọi được vinh danh trong ngành thủ công mỹ nghệ. Trong kế hoạch phát triển kinh tế của nhiều địa phương đã nhắc tên lục bình như một giải pháp giúp người nghèo.

Lục bình hóa thân thành những làn, lẵng, lọ… chứa đầy hoa và nhiều thứ thi vị khác. Lục bình đi máy bay sang trời tây, có vị trí sang trọng trong nhà hàng, khách sạn cao cấp, trong lễ tân…

Những bãi lục bình ven sông bây giờ có chủ. Người ta chăm chút, bón phân và thu hoạch luân phiên theo vụ, phơi dọc những con lộ mới mở. Lục bình thăng hoa, nông thôn có chút sắc mới, người sống với nghề lục bình tiếp tục vớt lục bình…

3/2022

LÊ MINH HÀ