Trở lại Huế thương…

Cập nhật, 09:43, Chủ Nhật, 24/04/2022 (GMT+7)
Trở lại Cố đô Huế sau 14 năm, với tôi như nỗi mong chờ để “gặp lại cố nhân” đã từng “ước hẹn”. Huế gieo vào lòng người nỗi nhớ thương thoang thoảng, nhẹ nhàng, bình dị mà sâu lắng. Huế đặc biệt với những ai yêu nét cổ kính, sự dịu dàng thanh lịch của vùng đất, con người.
Đại nội- nét đẹp văn hóa lịch sử.
Đại nội- nét đẹp văn hóa lịch sử.
Về với Huế
 
Tháng 4 đến Huế, sau những ngày tháng Huế vắng bóng du khách vì dịch COVID-19. Huế vẫn như xưa, vẫn mang dáng dấp của người con gái dịu dàng, vẫn nét trầm tư, bình lặng dù đang bon bon xe trên đường tấp nập. 
 
Sông Hương chạy dọc theo TP Huế, cùng với cầu Trường Tiền gieo cho tôi bao thương nhớ! Nhớ cái sự thèm thuồng của sinh viên Ngữ văn “chỉ nghe cầu Trường Tiền trong thơ ca” mà tôi cùng nhóm bạn “cuốc bộ” hơn 10km theo lối đi dọc sông Hương mới đến được cầu Trường Tiền. Chúng tôi chụp ảnh vài ba tấm, hít hà không khí sông Hương, đón cái mát dịu dàng của dòng sông mang đến. Sông Hương nay vẫn thế, vẫn như “không chảy” bình lặng như thành phố này. Chợt nhớ những câu thơ của nhà thơ Thu Bồn: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”. 
 
Cầu Trường Tiền là biểu tượng nằm ở trung tâm Cố đô Huế, nơi giao nhau giữa hai bờ Nam- Bắc sông Hương. Đến nay, cầu Trường Tiền có hơn 400 năm tuổi, được xây dựng từ đời vua Thành Thái. Cầu sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành sáu cặp như ca dao: “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/ Em theo không kịp, tội lắm anh ơi!”. 
 
Ngồi bên bờ sông Hương thơ mộng, ngắm dòng xe qua lại bên cầu Trường Tiền dù người xe tấp nập vẫn có nét yên bình. Vẻ đẹp Huế đúng là chẳng nơi nào có được… Có lẽ do vùng đất nên con người Huế cũng bình lặng, dịu dàng hơn, tôi nhớ Mế Ba bán mè xửng mời khách nhẹ nhàng “mua giúp mế mè xửng Huế ngon lắm con! Mười ngòn thôi”. Khi khách mua một gói, mế cũng cảm ơn và không kèo nài mua thêm. Nhớ chú Phát chạy xích lô đã “chốt” giá ra cổng thành nhưng khi khách muốn xem cầu Trường Tiền thì chở đi luôn “muốn cho thêm nhiu cho, xem cho nhớ Huế”. 
 
Có lẽ với những ai yêu thích nét văn hóa, sự yên bình và tĩnh lặng sẽ mến Huế, nhớ Huế như chốn về yên tĩnh trong cõi lòng mình. Huế đẹp, Huế thơ bởi cả những di tích, cảnh vật, con người,… tất cả làm nên những gì rất Huế! 
 
Viếng Cố đô
 
Nếu như sông Hương, cầu Trường Tiền mang vẻ đẹp bình lặng, dịu dàng rất Huế thì kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ và rất nhiều những lăng tẩm, đền đài mang nét cổ kính trang nghiêm. Cũng như lần đầu vào Đại nội kinh thành Huế, tôi chọn mặc áo dài như sự trân trọng với nét văn hóa xưa, nơi đóng đô của Vương triều nhà Nguyễn suốt 140 năm từ 1805- 1945. Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Cầu Trường Tiền bên dòng sông Hương.
Cầu Trường Tiền bên dòng sông Hương.
 
Khó có thể đi hết Kinh thành Huế bởi được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành. Hơn 200 năm, kinh thành gần như còn nguyên vẹn với 140 công trình xây dựng lớn nhỏ. Với những người con miền Nam- vùng đất trẻ- đến với Huế như trở về cội nguồn. Với tôi, Kinh thành Huế chính là nơi giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc mình. 
 
Kinh thành Huế là công trình nguy nga mang dáng hình lịch sử, là tài sản vô giá ông cha để lại. Kinh thành có 13 cửa để ra vào đường bộ và đường thủy. Hoàng thành là vòng thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình. Bên trong Hoàng thành là các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và Tử Cấm thành- nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng thành và Tử Cấm thành là Đại nội.
 
Vào Đại nội không chỉ để hiểu kiến trúc hoàng cung, nghe hiểu về nếp sinh hoạt triều Nguyễn mà còn để ngắm công trình, kiến trúc vĩ đại tinh tế của cha ông mấy trăm năm trước. Tôi nhớ chị Hoa trong đoàn- người miền Bắc nói: “Các cụ ngày xưa xây để lại cho mình”, thấy thành lũy nguy nga nhưng nghe lời chị nói tôi lại thấy gần gũi, thân thương quá đỗi. 
 
Chạy ngược dòng theo hướng đầu nguồn sông Hương tính từ Đại nội, chúng tôi đến chùa Thiên Mụ. Nơi không thể bỏ qua, mỗi lần đến Huế! Chùa Thiên Mụ còn được gọi là chùa Linh Mụ, được Chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. 
 
Ngôi chùa cổ kính, trầm mặc bên bờ sông Hương là một quần thể nhiều công trình kiến trúc đẹp mắt và bề thế. Từ sân chùa nhìn xuống là dòng sông Hương “dùng dằng con sông không chảy” giữa vùng trời nước mênh mông thăm thẳm. Những chiếc thuyền rồng neo đậu hiền hòa dưới bến, chờ đợi những người khách đang viếng thăm chùa.
 
Chùa Thiên Mụ như là một chứng nhân lịch sử diễn ra trên đôi bờ sông Hương. Ngôi chùa vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người dân Huế và cả những du khách “đã đôi lần đến với Huế mộng mơ”. 
Theo truyền thuyết, khi Chúa Nguyễn Hoàng đi xem xét địa thế ở đây nhằm mở mang cơ nghiệp, ông gặp ngọn đồi Hà Khê bên dòng nước trong xanh. Người dân địa phương cho biết, ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh”. Nguyễn Hoàng vui mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, mặt quay ra sông Hương, đặt tên là Thiên Mụ”.
Bài, ảnh: CAO HUYỀN