Vang vọng mãi bài ca Giải phóng miền Nam

Cập nhật, 19:46, Thứ Bảy, 30/04/2022 (GMT+7)
 Từ trái sang: Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng.  Ảnh: TL
Từ trái sang: Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng. Ảnh: TL

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, yêu cầu của cuộc cách mạng miền Nam sau Đồng Khởi là cần có một tổ chức công khai có uy tín, có một chương trình hoạt động cụ thể, công bố trước nhân dân Việt Nam và thế giới, để hiệu triệu nhân dân toàn miền Nam nhất tề đứng lên, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Do đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, sau đó bài hát “Giải phóng miền Nam” ra đời, trở thành bài ca chính thức của Mặt trận- là lời hiệu những tấm lòng, con tim cùng chiến đấu vì lời thề giải phóng miền Nam.

Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20/12/1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) tỉnh Tây Ninh, với thành phần chủ chốt là lực lượng Việt Minh hoạt động bí mật ở miền Nam. Ủy ban lâm thời gồm các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phùng Văn Cung, Huỳnh Tấn Phát, Trần Bửu Kiếm, Trần Bạch Đằng... Mặt trận ra “Tuyên ngôn” và “Chương trình 10 điểm” với mục tiêu đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của Mỹ và tay sai, xây dựng phát triển đất nước, chăm lo cuộc sống nhân dân, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (khai mạc ngày 16/2/1962), chính thức bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch gồm: Phùng Văn Cung, Võ Chí Công, Huỳnh Tấn Phát, Ybih Aleo, Đại đức Sơn Vọng và Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm Tổng Thư ký.

Năm 1961, nhóm Hoàng- Mai - Lưu (là bộ ba gồm Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước) được giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát chính thức cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Với yêu cầu: chặt chẽ về ý nghĩa, lời và nội dung bài hát cần thể hiện được những điểm chính
như sau:

- Bài hát có tính chất quốc ca (sách lược) này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

- Kêu gọi nhân dân miền Nam trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang đánh đuổi đế quốc xâm lược cùng bè lũ
tay sai.

- Nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

- Tên tác giả phải thay đổi bảo đảm tính độc lập của chế độ Cộng hòa miền Nam Việt Nam lúc đó.

Do các yêu cầu chặt chẽ, phục vụ nhiệm vụ chính trị, nên cả nhóm đã cùng nhau bàn bạc, suy tính, cân nhắc rất kỹ càng từng ca từ, từng ý trong bài hát. Sau một tuần nhận nhiệm vụ, Huỳnh Văn Tiểng và Mai Văn Bộ đã viết xong phần lời, Lưu Hữu Phước viết phần nhạc. Và bài Giải phóng miền Nam với nhịp điệu hùng tráng, ca từ giản dị, dễ nhớ đã hoàn thành. Lời mở đầu cũng là lời kêu gọi, hiệu triệu toàn dân: “Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước...”. Hình ảnh mất mát, đau thương, đất nước bị chia cắt được đưa vào để người nghe càng thêm nung nấu ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc: “Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời! Sông núi bao nhiêu năm cắt rời”. Đồng thời, tác giả cũng ca ngợi vẻ đẹp quê hương gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của cha ông: “Đây Cửu Long hùng tráng. Đây Trường Sơn vinh quang. Thúc giục đoàn ta xung phong đi giết thù”. Thể hiện ý chí đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Vai sát vai, chung một bóng cờ”. Dưới đường lối cách mạng đúng đắn, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn quân, toàn dân, vững tin sẽ vượt qua khó khăn, gian khổ đưa cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi đến thắng lợi: “Vùng lên! Nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng. Thề cứu lấy nước nhà! Thề hy sinh đến cùng! Cầm gươm ôm súng
xông tới”.

Về tác giả bài hát, theo nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, ban đầu để giữ bí mật nên lấy tên ghép là Huỳnh Minh Liêng (từ chữ cái đầu trong họ của bộ ba Hoàng - Mai - Lưu). Nhưng khi đưa lên báo do việc sắp chữ bị nhầm từ chữ L thành chữ S nên đã in thành Siêng. Vì vậy, Huỳnh Minh Siêng trở thành tên tác giả chính thức của bài Giải phóng miền Nam. Về sau, nhận thấy chữ Siêng cũng có cái hay của nó nên các đồng tác giả nhất trí không thay đổi nữa.

Bài hát sau khi ra đời đã nhanh chóng lan tỏa, đi vào lòng người, thể hiện được tình đoàn kết, gắn bó chung thủy của nhân dân miền Nam và cả nước, cùng chung chiến hào đánh đuổi quân xâm lược vì mục tiêu hòa bình, độc lập, thống nhất non sông. Tại khắp chiến trường miền Nam, trong hội họp, sinh hoạt đơn vị hay đi vào trận đánh, hình ảnh thường gặp là lá cờ Mặt trận giải phóng nửa đỏ, nửa xanh với ngôi sao vàng ở giữa, cùng với âm thanh hào hùng của bài hát Giải phóng miền Nam. Bài hát là niềm tin chiến thắng và tương lai tươi sáng của dân tộc: “Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi. Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời”.

PHẠM BÁ NHIỄU