Báo Vĩnh Long- 30 năm đồng hành sự đi lên của tỉnh

Cập nhật, 17:10, Thứ Hai, 02/05/2022 (GMT+7)

Trong hành trình 30 năm phát triển kể từ khi tái lập, tỉnh Vĩnh Long hiện nay có sự thay đổi toàn diện, qua đó hạ tầng về đường, điện, trường, đô thị, chợ,… thay đổi rõ. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2020 đạt 41,5 triệu đồng, tăng 27,5 lần so năm 1992. Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 90%... Góp vào thành tựu chung đó, có vai trò của Báo Vĩnh Long.

Báo Cửu Long thành Báo Vĩnh Long, Báo Trà Vinh

Ngày 26/12/1991, Quốc hội ban hành nghị quyết chia tỉnh Cửu Long thành hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh. Tỉnh ủy Cửu Long thống nhất chọn ngày 5/5/1992, hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh chính thức hoạt động. Nghị quyết nêu rõ các cơ quan, ban ngành tỉnh tự lập phương án, kế hoạch trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Chấp hành nghị quyết Tỉnh ủy, Ban Biên tập, cấp ủy Báo Cửu Long lãnh đạo chia tách thành Báo Vĩnh Long và Báo Trà Vinh. Bao việc phải lo, phải tính. Ban Biên tập Báo phải tổ chức nhiều cuộc họp và tôi được biết là Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng có rất nhiều cuộc họp để quán triệt và triển khai việc chia tách.

Dưới sự lãnh đạo sát, chặt chẽ của Tỉnh ủy Cửu Long để kết quả thu được là việc chia tách tỉnh diễn ra trong sự đoàn kết, nghĩa tình. Điều đó tôi cảm nhận rõ ngay chính cơ quan Báo Cửu Long. Khi đó, anh Đoàn Hải Nhân (nhà báo Phù Sa)- Phó Tổng Biên tập Báo Cửu Long- người được Tỉnh ủy phân công phụ trách Báo Vĩnh Long, trong cuộc họp về việc chia tách có phát biểu đại ý là ưu tiên trước hết cho Báo Trà Vinh, còn Báo Vĩnh Long đã có sẵn trụ sở làm việc, thiếu thì từ từ sắm sau…

Tại Quyết định số 704/QĐ-TU ngày 16/3/1992 về việc chỉ định Ban lãnh đạo Báo Vĩnh Long, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cửu Long chỉ định các đồng chí: Đoàn Hải Nhân- Phó Tổng Biên tập, Phan Minh Tâm- Trưởng Phòng Xuất bản; Phạm Hoàng Khải- Trưởng Phòng Phóng viên. Ban lãnh đạo có nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành công việc theo chức năng, nhiệm vụ. Ngoài ra, bộ máy có 3 phòng với 17 cán bộ, nhân viên: Phòng Hành chính gồm có quyền trưởng phòng và 3 nhân viên. Phòng Phóng viên có trưởng phòng và 9 phóng viên. Phòng Xuất bản có trưởng phòng và 2 nhân viên. Còn anh Lý Thanh Xuân (đang học Trường Chính trị Nguyễn Ái Quốc,Hà Nội), khi nào về Tỉnh ủy sẽ phân công.

Những ngày đầu làm Báo Vĩnh Long

Ngày 5/5/1992, Báo Vĩnh Long chính thức ra số báo đầu tiên chào mừng tái lập tỉnh Vĩnh Long và chào mừng tỉnh Trà Vinh anh em. Những ngày đầu do ưu tiên chia cho Báo Trà Vinh phương tiện, máy móc nên chúng tôi gặp một số khó khăn trong hoạt động, cái lớn là không ô tô, xe gắn máy, đến cái nhỏ hơn là thiếu bàn, thiếu ghế đến cái máy ảnh…

Sau khi ổn định mọi mặt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đoàn Hải Nhân tập trung lãnh đạo đổi mới toàn diện tờ báo từ hình thức đến nội dung, phát hành. Anh đề xuất trong ban lãnh đạo nhiều ý tưởng mới mà có lẽ anh ấp ủ từ lâu. Cụ thể, về nội dung báo chí phải đi sát cuộc sống, phản ảnh “hơi thở’’ cuộc sống hàng ngày, phải giảm dần tin tức lễ tân, hội nghị, triển khai một chiều, viết nhiều tin, sự kiện, tăng cường phóng sự, phóng sự nhiều kỳ; văn phong ngắn gọn, súc tích, hàm lượng thông tin cao, nhiều ảnh, trình bày thoáng, đẹp… Về nhân lực, gấp rút tuyển người bổ sung lực lượng đang thiếu.

Về phát hành, chủ trương bung ra nhiều cách, bám vào cấp ủy, chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn vận động đặt mua báo. Về nhân lực, lấy Phòng Phóng viên làm nòng cốt công tác phát hành do phóng viên quen địa bàn, quen cơ sở, doanh nghiệp. Năm 1993, sau khi nhận tờ Vĩnh Long chủ nhật từ Công an tỉnh về thì Báo Vĩnh Long mới mỗi tuần xuất bản 2 kỳ, ra báo ngày thứ năm và ngày chủ nhật.

Sau khoảng 6 tháng “ra quân” phát hành báo về cơ sở, sơ kết cho thấy số lượng phát hành tăng gấp nhiều lần; không chỉ các chi bộ, đảng bộ cấp xã mà các chi bộ, đảng bộ sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, doanh nghiệp tư nhân đều đặt mua báo để đọc, còn nhiều điểm bán báo lẻ ở đô thị đặt dài hạn Báo Vĩnh Long để bán. Một điều đáng ghi nhận là việc tổ chức phát hành đưa báo về cơ sở, vào tổ chức Đảng và ra dân của Báo Vĩnh Long được tiến hành trước khi Bộ Chính trị, khóa VII ban hành Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 28/11/1998 về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Sau này, khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Chỉ thị 08 triển khai thực hiện việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn sử dụng ngân sách chi mua báo, tạp chí của Đảng thì việc phát hành Báo Vĩnh Long càng thuận lợi hơn. Báo Vĩnh Long giai đoạn này tăng số lượng in mỗi kỳ, không khí làm việc phấn chấn hẳn lên, anh em phụ trách địa bàn huyện thi đua số lượng phát hành.

Phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đào tạo cán bộ

Thực hiện kết luận (Thông báo số 30- TB/TU ngày 23/10/2006) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển báo giai đoạn 2005- 2010, nêu rõ Báo Vĩnh Long có nhiệm vụ đổi mới nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nâng số kỳ phát hành trong tuần đồng thời với nâng cao chất lượng tờ báo và xuất bản báo điện tử, Ban Biên tập cùng cấp ủy chi bộ xây dựng nghị quyết đề ra lộ trình tăng kỳ báo, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng tờ báo, đẩy mạnh phát hành về cơ sở và xúc tiến xuất bản trang tin điện tử. Bên cạnh đó được Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho thực hiện Nghị định 43/CP của Chính phủ theo loại hình đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về bộ máy tổ chức, biên chế cũng như giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho Ban Biên tập đã tạo nhiều thuận lợi cho báo hoạt động.

Điểm nổi bật của thời gian qua là xây dựng đội ngũ cán bộ, chú trọng đào tạo chính trị, nghiệp vụ chuyên môn đạt yêu cầu chuẩn hóa theo Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII. Đến năm 2005, có 85% tốt nghiệp đại học trở lên, trong đó có 25% tốt nghiệp đại học báo chí, có 23% có trình độ chính trị từ trung cấp, cao cấp đến cử nhân. Giai đoạn 2010- 2020, thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Biên tập chủ trương mạnh dạn đột phá trong công tác cán bộ theo hướng nâng cao một bước về trình độ sau đại học, theo đó tất cả cán bộ, phóng viên diện quy hoạch phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Với sự quyết tâm này, từ năm 2012- 2020, Báo cử 15 cán bộ, phóng viên học cao học để có trình độ thạc sĩ, chiếm hơn 37% viên chức, trong đó hiện có 10 người tốt nghiệp thạc sĩ báo chí. Đội ngũ cán bộ, viên chức đào tạo sau đại học, nhất là chuyên ngành báo chí đã làm thay đổi một bước về chất trong hoạt động chuyên môn.

Với những nỗ lực trong đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, hàng năm Báo Vĩnh Long đều chọn được những tác phẩm có chất lượng tốt gởi tham dự Giải Báo chí Quốc gia, Giải Báo chí về Xây dựng Đảng toàn quốc (Búa liềm vàng), cùng các giải báo chí cấp bộ, ngành và giành được nhiều giải cao. Chỉ riêng Giải Báo chí Quốc gia, đến nay phóng viên Báo Vĩnh Long đã đạt 1 giải B, 5 giải C, 4 giải khuyến khích; Giải Búa liềm vàng toàn quốc đạt 1 giải khuyến khích.

Ghi nhận những đóng góp của Báo Vĩnh Long, Chủ tịch nước đã tặng cho tập thể Báo Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; tặng cho 5 cá nhân Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì.

Ba lần dời tòa soạn

Trụ sở làm việc là vấn đề lớn trong 30 năm qua, người xưa có câu “an cư mới lạc nghiệp” vậy nhưng từ 1992- 2018, Báo Vĩnh Long phải 3 lần dời tòa soạn. Lần thứ nhất năm 2002, từ số nhà 139 Lê Thái Tổ dời về 204/3 Phạm Hùng. Năm 2015 thì từ 204/3 Phạm Hùng dời tạm thời về 166/3B Phạm Hùng(Tỉnh ủy) để chờ xây dựng trụ sở. Và đến tháng 4 /2018 dời về trụ sở hiện nay 166D đường N12 (Phường 9).

Với việc được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư gần 15 tỷ đồng xây dựng trụ sở cùng các trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, có thể nói Báo Vĩnh Long được đổi mới hoàn toàn về diện mạo, cơ sở vật chất. Trong đó, Ban Biên tập, các phòng chuyên môn được bố trí phòng làm việc riêng, các phóng viên được trang bị bàn làm việc, máy tính riêng để tác nghiệp, riêng Phòng Báo Điện tử được trang bị máy ảnh, máy quay phim và các thiết bị khác… để tác nghiệp cũng như đưa nội dung tờ báo lên mạng toàn cầu.

Tích cực tham gia công tác an sinh xã hội

30 năm qua, ngoài nhiệm vụ làm báo, Báo Vĩnh Long còn tích cực làm công tác xã hội, đóng góp phần nhỏ vào công tác an sinh xã hội của tỉnh. Bên cạnh mở chuyên mục kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng đối với những bệnh nhân nghèo bệnh nặng, những trẻ em có cha mẹ nhiễm HIV, Báo Vĩnh Long còn vận động các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình thương, tặng quà Tết cho hộ nghèo,… với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng. Nổi bật là chương trình “Tiếp sức thương binh”, Báo đã vận động được 16 lượt cơ quan, doanh nghiệp, nhiều cá nhân đóng góp hỗ trợ đời sống 191 lượt thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn.

Một số bài học từ 30 năm

- Có sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp.

- Nội bộ đoàn kết, gắn bó, khắc phục mọi khó khăn quyết tâm đổi mới tờ báo, lấy đổi mới nội dung làm trọng tâm; quảng bá thương hiệu báo, tham gia công tác an sinh xã hội.

- Chú trọng đào tạo cán bộ, phóng viên về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng rèn luyện, nâng cao đạo đức người làm báo.

Mới đó mà tròn 30 năm kể từ ngày Báo Vĩnh Long tái lập, một chặng đường tiếp nối truyền thống Báo Quyết Thắng, Báo Vĩnh Trà, Báo Cửu Long và quan trọng hơn là giữ vững tờ báo là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, là công cụ sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Hiện nay, Báo Vĩnh Long đứng trước nhiều thuận lợi, đó là an cư ổn định, cơ sở vật chất được trang bị khá chuẩn để biên tập, phóng viên tác nghiệp trong môi trường kỹ thuật số ngày càng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì thách thức theo tôi không hề nhỏ, đó là cạnh tranh thông tin, sự “lấn sân” của mạng xã hội với báo chí chính thống vô cùng khốc liệt làm giảm vai trò thông tin của báo chí chính thống. Để tồn tại, để thu hút bạn đọc, khán giả xem, đọc tờ báo Vĩnh Long cả báo in và báo điện tử, theo tôi tờ báo in, báo mạng phải được cải tiến, đổi mới không ngừng, khai thác và đưa công nghệ tin học vào quy trình làm báo để thông tin nhanh, tin cậy, định hướng dư luận…

 HOÀNG KHẢI