Bất chợt cánh hoa dầu

Cập nhật, 22:18, Thứ Ba, 26/04/2022 (GMT+7)

 

Hoa dầu.
Hoa dầu.

Tháng tư dắt chúng ta bước qua ngạch cửa giao mùa, chạm mặt với không khí oi nồng của đất trời vào hạ. Trời bây giờ chợt nắng, chợt mưa, những cơn mưa thường được báo hiệu bằng những đám mây xám xịt, kéo theo những cơn gió lùa trên phố. Gió làm cây cối ngả nghiêng, bụi đường mờ mịt…

Đang chạy xe trên đường thì bất chợt gió nổi lên, từ trên cao một “cơn mưa lá” trút xuống. Tôi lọt vào “cơn mưa lá” ấy và khi một chiếc lá rơi trúng vào người, tôi có nhịp nhìn gần chợt nhận ra: Ồ! không phải lá mà là hoa- hoa dầu! Những trái hoa dầu với cấu tạo hình trứng, có hai cánh dài trông giống như chiếc dù, đến khi trái già cứ chờ gió đến là buông tay. Nhưng chúng không rơi thẳng mà phải bay xoay vòng vòng như biểu diễn cho người đi đường xem rồi mới chịu nhẹ nhàng rơi xuống đất. Hình ảnh những cánh hoa làm tôi nhớ lại thời gian những năm 1980, lúc đang theo học một trường trung cấp Mỹ thuật ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Sông Bé (nay là TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), mỗi lần có dịp ra chợ Thủ Dầu Một phải đi qua nhiều con đường với hàng cây dầu rợp mát trồng hai bên. Một người bạn quê ở Tương Bình Hiệp nói “Cây dầu là loài cây đặc trưng của xứ này!”. Và đến mùa trái khô vào khoảng tháng tư là chúng bắt đầu nhuộm màu vàng nâu lên phố, cứ mỗi lần gió mạnh thổi lên là biết bao cánh hoa lìa cành, bay rợp trời theo làn gió, một hình ảnh rất lãng mạn dễ làm đề tài cho thơ, cho nhạc.

Tôi nhớ trên sóng phát thanh truyền hình thỉnh thoảng được nghe bài hát “Cánh hoa bay” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, một nhạc sĩ tài hoa nhưng vắn số (nhạc sĩ mất năm 1986, khi mới 35 tuổi). Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, sinh năm 1951, quê ở xã An Sơn, huyện Thuận An, công tác ở Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Sông Bé. Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng. Từ những năm tháng sống cùng lực lượng Thanh niên xung phong, với những người dân làm kinh tế mới ở các nông trường, lâm trường mà nhiều ca khúc đã ra đời bám sát hơi thở cuộc sống, đi vào lòng người, trong đó có bài hát “Cánh hoa bay” với giai điệu bolero nhẹ nhàng, sâu lắng: Cánh hoa dầu xoay tít bay bay/ Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày/ Có những chiều gọi gió bay lên/ Tay cầm tay đón những cánh hoa dầu/ Hỏi dầu cây lớn bao lâu cho niềm vui cho lòng dạt dào/ Ôi tuổi thơ hồn nhiên học trò, hay dỗi hờn và hay ước mơ….

Được biết những cây thuộc họ sao dầu không chỉ đóng vai trò quan trọng về giá trị bảo tồn và kinh tế mà còn có giá trị to lớn về sinh thái môi trường. Ngày nay chúng ta có thể gặp những cây sao cổ thụ- chứng nhân của lịch sử, hiếm hoi còn lại ở Bảo tàng Vĩnh Long, Văn Thánh Miếu, đây là hai cụm cây có số lượng tập trung nhiều nhất (Bảo tàng Vĩnh Long có 11 cây sao, 2 cây dầu, Văn Thánh Miếu có 26 cây sao), hai cụm cây này đã được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận “Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam” vào năm 2016. Trên một số tuyến đường TP Vĩnh Long hiện nay được trồng một số cây xanh thuộc họ sao dầu như sao đen, dầu rái, đặc điểm quả của hai loại cây này đều có cánh để đưa hạt đi xa, nhưng quả của dầu rái lớn hơn quả sao đen. Giờ đây giữa lòng TP Vĩnh Long trời đang vào hạ, không khí càng sôi động với việc tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày lễ lớn tháng tư. Giữa khung trời mùa hạ, có dịp thấy những cánh hoa dầu bay bay trong gió, hay chạy xe trên những con đường rắc đầy cánh hoa nâu và nghe ca khúc viết về loài hoa ấy, dễ đưa người ta quay trở về ký ức, thời lứa tuổi thanh niên với biết bao ước nguyện cống hiến cho quê hương, đất nước.

Hàng sao ở Văn Thánh Miếu, Phường 4, TP Vĩnh Long.
Hàng sao ở Văn Thánh Miếu, Phường 4, TP Vĩnh Long.

… Biết bao mùa cây lá thêm xanh/ Lớn cùng anh ta đi tìm hiểu rừng/ Cánh hoa dầu bừng nở trong tim/ Hoa dầu bay cành nẩy lá đâm chồi/ Hỏi người yêu dấu bên tôi/ Ru tình ta muôn đời ngọt ngào/ Trên rừng xa mùa xuân thật gần những lâm trường, những dấu chân qua…

Bài, ảnh: ANH TIẾN