Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con

Cập nhật, 05:57, Thứ Năm, 29/12/2022 (GMT+7)

(VLO) Trước đây, khi sinh con, vì lý do khách quan, cha của bé không dám nhận con nên trong giấy khai sinh con tôi không có tên cha. Giờ cha của bé muốn nhận con, tôi cũng đồng ý điều này để con có cha. Trường hợp này có được không và thủ tục như thế nào?

N.T.T. (TP Vĩnh Long)

Trả lời: Khoản 1, Điều 25 Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con như sau: Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch (là UBND cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con). Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt. 

Theo Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp, chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1, Điều 25 và khoản 1, Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

Điều 5 của thông tư nói trên quy định trách nhiệm, hệ quả của việc cam đoan không đúng sự thật như sau:

1. Trường hợp cho phép người yêu cầu đăng ký hộ tịch lập văn bản cam đoan về nội dung yêu cầu đăng ký hộ tịch thì cơ quan đăng ký hộ tịch phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật.

2. Cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký hộ tịch, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ