Di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ sau 3 tháng nếu người lập di chúc còn minh mẫn

Cập nhật, 05:30, Thứ Ba, 10/05/2022 (GMT+7)

(VLO) Lúc còn khỏe mạnh, trong một lần gia đình đông đủ, ba tôi có nói sau này ba mẹ có qua đời thì căn nhà đang ở để cho người con trai út; 3 công vườn chia 3 phần, anh hai, anh ba và em út của tôi mỗi người 1 công; còn tôi có chồng ở xa nên không chia. Ba tôi chỉ nói vậy nhưng đến gần 10 năm sau, ba mẹ tôi mới mất. Trước khi mất, ba tôi không có lập di chúc nào khác. Giờ anh em tôi định chia tài sản theo di nguyện của ba mẹ. Lời nói trên của ba mẹ tôi có được xem là di chúc không?

N.T.K.C. (Đồng Tháp)

Trả lời: Việc chia tài sản cho các con nêu trên, mặc dù đó là di nguyện của ba, mẹ chị nhưng di nguyện này để được xem là di chúc phải được thể hiện bằng văn bản hoặc là di chúc miệng.

Theo Điều 627 Bộ luật Dân sự (BLDS): Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Trường hợp này, ba mẹ chị nói việc chia di sản cho các con trong lúc sức khỏe còn tốt và trước khi qua đời gần 10 năm nên không được xem là di chúc miệng.

Bởi, theo khoản 1 Điều 629 BLDS: Di chúc miệng được thực hiện trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

Bên cạnh đó, theo khoản 2 điều luật này: Sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Như vậy, nếu di nguyện của ba, mẹ chị không được xem là di chúc miệng và trước khi mất, ba mẹ chị không lập di chúc bằng văn bản theo quy định, thì di sản của ba, mẹ chị sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS, những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Và khoản 2 điều luật này quy định: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Luật sư TRẦN VĂN SỸ