Vi phạm hợp đồng thuê nhà phải bồi thường tiền cọc

Cập nhật, 07:16, Thứ Ba, 27/02/2024 (GMT+7)

Sau khi ký hợp đồng thuê nhà, hai bên thay đổi giá và diện tích cho thuê dẫn đến bất đồng phải đưa nhau ra tòa giải quyết.

Ngày 20/7/2022, chị N.T.D.P. (ở TP Vĩnh Long) ký hợp đồng cho chị N.C.T. (ở huyện Long Hồ) thuê căn nhà ngang 4,5m, dài 14m để kinh doanh và làm chỗ ở. Thời hạn thuê 2 năm kể từ ngày 10/8/2022, giá thuê mỗi tháng 8 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận sau khi ký hợp đồng, chị T. đặt cọc trước 2 tháng tiền nhà và chia thành 2 đợt. Đợt 1 thanh toán ngay sau khi ký hợp đồng, đợt 2 thanh toán sau khi bàn giao nhà, tiền thuê nhà trả từ ngày 5-10 hàng tháng, bên nào vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

Sau 2 tuần ký hợp đồng, chị P. liên hệ với chị T. đề nghị thay đổi tiền đặt cọc lên 3 tháng và thay đổi diện tích cho thuê, giá thuê. Ngày 11/8/2022, hai bên trực tiếp gặp mặt để thỏa thuận lại, phía chị P. chỉ cho thuê mặt bằng phía trước ngang 4,5m, dài 5m, giá thuê mỗi tháng 5 triệu đồng. Do diện tích mới chật hẹp và phải làm đường cống thoát nước ra phía trước, chị T. không đồng ý nên đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu chị P. bồi thường gấp 3 lần tiền đặt cọc tương đương 24 triệu đồng.

Chị P. thừa nhận đôi bên có ký hợp đồng thuê nhà nhưng không có công chứng chứng thực tại cơ quan thẩm quyền. Sau khi ký hợp đồng, do bà ngoại của chị không đồng ý cho thuê nguyên căn, chỉ cho thuê 1/2 căn mặt tiền phía trước, còn phía sau để ở. Do đó, chị liên hệ với chị T. đề nghị thay đổi diện tích cho thuê và giá thuê nhưng không thống nhất được nên không ký lại hợp đồng mới. Nay hai bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng nên chị đồng ý trả lại 8 triệu đồng đã nhận cọc, không đồng ý phạt cọc vì cả hai bên đều vi phạm hợp đồng. Cụ thể, bên cho thuê thay đổi diện tích và giá thuê nhưng vẫn đồng ý cho chị T. thuê 1/2 căn nhà với giá 5 triệu đồng/tháng. Bên thuê lúc đầu cũng đồng ý thay đổi diện tích thuê nhưng sau đó không đồng ý và cũng không giao thêm tiền cọc đợt 2 là đã vi phạm hợp đồng.

Tại đơn phản tố ngày 18/4/2023, chị P. yêu cầu chị T. bồi thường 72 triệu đồng do trong thời gian hai bên không thực hiện việc thuê nhà dẫn đến tranh chấp đã làm cho gia đình chị mất khoản thu nhập từ việc cho thuê nhà trong suốt 9 tháng. Tuy nhiên, nếu phía chị T. đồng ý nhận lại 8 triệu đồng tiền cọc và không yêu cầu bồi thường thì chị P. sẽ rút yêu cầu phản tố.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 29/6/2023, HĐXX đã tuyên chấp nhận việc chị T. đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà, buộc chị P. trả lại tiền đặt cọc, phạt cọc và chi phí thuê kho chứa hàng, tổng cộng 36,5 triệu đồng; không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường 72 triệu đồng của chị P..

Chị P. không đồng ý với phán quyết trên đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị tòa cấp phúc thẩm tuyên vô hiệu hợp đồng thuê nhà ngày 20/7/2022, buộc các bên khôi phục lại hiện trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Tại phiên tòa phúc thẩm, qua giải thích của HĐXX và trên cơ sở quy định của pháp luật, nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận và đi đến thống nhất, chị P. đồng ý hoàn trả cho nguyên đơn tiền cọc 8 triệu đồng và bồi thường 2 lần tiền cọc do vi phạm hợp đồng, tổng cộng 24 triệu đồng và không yêu cầu chị T. bồi thường thiệt hại 72 triệu đồng. Xét việc thỏa thuận trên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật nên HĐXX chấp nhận.

DIỄM PHƯỢNG

 

 

Các tin khác: