Giá xăng tăng: Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Cập nhật, 05:12, Thứ Sáu, 17/06/2022 (GMT+7)

 

Theo nhiều người nội trợ, tiền chợ hàng ngày đang tăng lên.
Theo nhiều người nội trợ, tiền chợ hàng ngày đang tăng lên.

(VLO) Nhiều bà nội trợ cho biết, cùng với giá xăng liên tục tăng lên mức cao thời gian gần đây thì giá cả một số hàng hóa thiết yếu cũng tăng. Theo đó, riêng tiền đổ xăng, tiền chợ hàng ngày phải tốn thêm một khoản nên… phải tính toán, thắt chặt chi tiêu.

Xăng tăng, tiền chợ tăng

Đi chợ để mua đồ ăn hàng ngày cho gia đình 5 người, chị Nguyễn Kiều Thư ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) cho biết, trước đây tiền chợ khoảng 80.000- 90.000 đ/ngày, giờ tăng thêm 20.000- 30.000 đ/ngày do một số mặt hàng tăng giá. Trong đó, trứng vịt tăng 5.000 đ/chục, hiện ở mức 30.000 đ/chục.

Nhiều loại rau tăng từ 5.000- 10.000 đ/kg, hiện rau muống có giá 20.000 đ/kg, mồng tơi 18.000 đ/kg,… “Tui hỏi sao tăng giá nhiều vậy thì người bán nói do xăng tăng giá, chi phí vận chuyển tăng”- chị Thư nói.

Đang chọn mua rau cải ở chợ, dì Ba ở Phường 8 (TP Vĩnh Long) cũng than vãn: “Lúc trước mua rau cải, thịt cá tốn 20.000- 30.000 đ/ngày, giờ tốn gấp đôi nên… ngán”.

Đẩy chiếc xe đạp “cộ” đầy rau củ, thịt cá nép vào một góc đường để khách chọn mua, chị Loan ở ấp Nhơn Trí (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) bộc bạch: “Xăng tăng giá cao quá, nên lúc trước tui đi bán bằng xe máy giờ chuyển qua xe đạp vì chi phí đi lấy hàng và chạy vòng vòng bán tốn nhiều quá chịu không nổi”.

Theo chị Loan, đầu năm đến nay, chỉ một số mặt hàng ít biến động như bún, cà chua, nấm rơm… Còn lại hầu hết đều tăng từ 10.000- 15.000 đ/kg.

Đặc biệt, khoảng nửa tháng nay, giá rau muống, cải ngọt, khổ qua, cà phổi… tăng giá mạnh- từ khoảng 10.000đ lên 18.000- 20.000 đ/kg. Các loại rau khác cũng tăng giá như: rau nhút từ 20.000 đ/kg lên 37.000 đ/kg; rau ăn sống (nhiều loại) từ 25.000 đ/kg lên 50.000 đ/kg.

Theo chị Loan, trước đây một gia đình 2- 3 người mua đồ ăn khoảng 70.000 đ/ngày nhưng với mức giá tăng cao như hiện nay thì ít gì cũng 100.000 đ/ngày.

Chị Loan cho biết thêm, các loại gia vị như đường, muối, bột ngọt, nước tương, nước mắm, dầu ăn… cũng tăng từ 5.000 đ/món. “Tàu hủ từ 1.000 đ/miếng hiện đã lên 2.500 đ/miếng. Thịt heo thì tăng từ 15.000- 20.000 đ/kg, hiện thịt đùi có giá 90.000 đ/kg, ba rọi 100.000 đ/kg, sườn 100.000 đ/kg, nọng, xương 75.000 đ/kg”- chị Loan nói.

“Thắt lưng buộc bụng”

Là sinh viên, em Đặng Thị Hồng Lan, nhà ở xã Song Phú (Tam Bình) cho biết: Mấy tháng trước đổ đầy bình xăng tốn khoảng 85.000đ thì hiện nay tốn tới 160.000đ. Tô hủ tíu cũng tăng lên 5.000 đ/tô… nên “chi tiêu các thứ, em phải dè xẻn hơn”.

Dì Út Điển (ấp Nhơn Trí, xã Nhơn Bình) cho biết, con dì là giáo viên, giờ không có đi về ngày mấy lượt như trước nữa mà ở trường làm xong việc chiều mới về. “Con tui nói trước đổ đầy bình xăng là 70.000đ, giờ phải tốn tới 100.000đ”. Vợ chồng dì Út Điển phải tăng giờ giữ cháu cho con đi làm.

Để tiết kiệm tiền ăn, dì nói: “Người lớn ăn cực còn chịu được chớ mấy đứa nhỏ về thì phải mua đồ ăn hơn 100.000 đ/ngày”. Theo dì Út Điển, chỉ riêng tiền mua đồ ăn, gia vị là tốn khoảng 5 triệu đồng/tháng chưa kể các chi phí khác như điện nước, wifi, đám tiệc…

Mong giá cả hàng hóa bình ổn để giảm bớt gánh nặng chi tiêu.
Mong giá cả hàng hóa bình ổn để giảm bớt gánh nặng chi tiêu.

“Nhà tui xài điện, nước phải tiết kiệm hơn. Rau thì ở nhà trồng, chỉ mua thịt, cá… hàng ngày. Nói chung, các chi phí đều tính toán tiết giảm lại”.

Giờ tan tầm, chị Ngọc Tâm ở Khóm 1 (thị trấn Tam Bình- Tam Bình)- công nhân khu công nghiệp- tất tả chạy vô cửa hàng bách hóa mua rau.

Chị Tâm cho biết, tranh thủ mua rau vào chiều tối để được giảm từ 50- 80%. Dọc đường thì mua cá, tép- chọn chỗ bán “giá mềm” để mua. Phải tính toán tiết kiệm đồng nào đỡ đồng đó để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, nuôi 2 con nhỏ.

Chị Tâm cho biết thêm: “Tính riêng tiền chợ thì hàng tháng đã tăng thêm khoảng 1 triệu đồng so trước kia. Trong khi nhiều chi phí khác cũng tăng. Để tiết kiệm, tui chăm sóc vườn rau nhà để đỡ tiền chợ”.

Còn chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Phường 4- TP Vĩnh Long) thì nói: Giá bán ở chợ lớn thường cao hơn 5.000- 10.000 đ/kg so với các chợ nhỏ. Để tiết kiệm chi phí, cuối tuần về quê chị thường mang lên các loại rau, cá trong mương vườn nhà hoặc mua ở chợ quê để tủ lạnh ăn trong tuần.

Chị Dương mong muốn “giá cả hàng hóa sẽ được bình ổn, nhất là giá xăng để các loại hàng hóa khác cũng bình ổn, hạ nhiệt, giảm gánh nặng chi tiêu”.

Bài, ảnh: NAM ANH- THẾ QUÂN