Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bên vững

Cập nhật, 08:25, Chủ Nhật, 29/09/2013 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong Quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã chỉ rõ: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; gắn với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững; phát triển bền vững vừa là một quá trình vừa là một mục tiêu của ngành.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp vừa phải theo cơ chế thị trường vừa đảm bảo các mục tiêu cơ bản về phúc lợi cho nông dân và người tiêu dùng; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng là mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị, lợi nhuận, đồng thời chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội.

Nhà nước phải giữ vai trò hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin dịch vụ.

Đồng thời, tăng cường sự tham gia củaa tất cả các thành phần kinh tế trong quá trình tái cơ cấu bằng việc đẩy mạnh phát triển đối tác công tư (PPP) và cơ chế đồng quản lý, phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng.

Theo đó, nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Tập trung nghiên cứu kỹ, lựa chọn cẩn thận các loại cây trồng vật nuôi, xác định rõ mắt xích trong chuỗi giá trị còn dư để đầu tư bài bản, căn cứ nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của từng ngành.

Việc nghiên cứu, lựa chọn sản phẩm lợi thế, cơ cấu sản xuất phải xem xét cả tác động của biến đổi thị trường, khí hậu đến nông nghiệp của tỉnh do diễn biến thị trường nông sản thế giới ngày càng phức tạp, khó lường; thay đổi cực đoan do thời tiết, khí hậu. Tăng cường khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới bằng việc nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và tăng sức chống chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Rà soát điều chỉnh quy hoạch, chiến lược xây dựng kế hoạch điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Hiện nay, cơ bản nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã có chiến lược và quy hoạch phát triển, quy hoạch phát triển ngành thủy sản, đề nghị các sở nghiên cứu kỹ, rà soát lại quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng linh hoạt và phát huy lợi thế (tập trung vào các sản phẩm có lợi thế đã được lựa chọn); chú ý dành quỹ đất cho quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các dự án, kế hoạch kèm theo chính sách cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân cho phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Ngoài các chính sách chung do Chính phủ ban hành về thu hút đầu tư từ doanh nghiệp, thu hút đầu tư từ nước ngoài, căn cứ vào tiềm năng, nhu cầu và điều kiện cụ thể, các địa phương ban hành thêm các chính sách đặc thù để thu hút vốn đầu tư xã hội cho nông nghiệp, nông thôn.

Gắn tái cơ cấu ngành với đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tập trung hoàn thành quy hoạch NTM và Đề án xây dựng NTM cho 100% số xã trong năm 2014. Mỗi xã lựa chọn cây trồng, vật nuôi hàng hóa là lợi thế để tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện.

Mở rộng các hình thức đào tạo gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất cho các hộ nông dân; nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng sản xuất chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn.

Một số mục tiêu cụ thể: Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ 2,6- 3%/năm giai đoạn 2011-2015, từ 3,5 - 4% trong năm 2016 - 2020.

Nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực cả trước mắt và lâu dài, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đến năm 2020 thu nhập của gia đình nông thôn tăng lên 2,5 lần so với năm 2008; số xã đạt tiêu chí nông thôn mới là 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.

Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường; khai thác tốt các lợi ích về môi trường , nâng cao năng lực quản lý, chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc lên 42-43% vào năm 2015 và 45% vào năm 2020, góp phần thực hiện tăng trưởng xanh của quốc gia.

 

Theo kinhtenongthon.com