Để hàng Việt Nam là niềm tự hào của người Việt Nam

Kỳ cuối: Để dân nông thôn yêu hàng Việt Nam

Cập nhật, 06:58, Thứ Sáu, 27/09/2013 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Chỗ đứng cho hàng Việt ở nông thôn


Doanh nghiệp cần không ngừng đổi mới mẫu mã, ổn định và nâng cao chất lượng để giữ lòng tin với người tiêu dùng.

Có thể nhận thấy rõ chuyển biến tích cực về nhận thức đối với hàng Việt Nam ủa người dân nông thôn trong thời gian gần đây. Tuy vậy, để hàng Việt Nam có chỗ đứng vững chắc trên sân nhà, được “chắp cánh” bay xa, bay cao hơn nữa, cần xóa bỏ những khoảng cách giữa doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

Người dân và hàng Việt Nam: chưa gặp nhau

Thực tế cho thấy, người tiêu dùng đã từng bước thay đổi nhận thức, có thái độ ưu ái, mở lòng hơn với hàng Việt Nam. Nếu như trước đây người dân nông thôn (NT) chỉ biết đến pin do Trung Quốc sản xuất thì nay đã biết lựa chọn pin Con Ó của Việt Nam- chẳng những chất lượng tốt hơn mà giá cả phải chăng nữa.

Và, đồ nhựa hiệu Duy Tân, Đại Đồng Tiến,… thay cho những sản phẩm nhựa không rõ nguồn gốc... Tuy nhiên, trong thời gian qua, hàng Việt Nam chưa thật sự tạo được hiệu quả tốt, hệ thống hàng chất lượng cao chưa tới NT.

Vẫn còn nhiều chướng ngại vật khiến cho DN ngán về nông thôn, như: ngại đường xa, chi phí phát sinh cao, chưa tin tưởng vào thị trường NT… Nhiều DN nói rằng sau những chuyến hội chợ doanh thu thì “lời ít lỗ nhiều”, nên chưa thật sự mặn mà với thị trường NT.
 
Anh Nguyễn Phong Điền- Giám sát tiếp thị khu vực Vĩnh Long- Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân nói: “Người dân NT chủ yếu là lao động, chỉ để ý đến giá cả, ít quan tâm đến chất lượng. Tuy có chương trình khuyến mãi, có tư vấn cho người dân hiểu nhưng bán rất chậm”.

Song song đó, hàng Việt Nam về NT dường như cũng chỉ ở mức “đến rồi đi”. Sau sự ồn ào, rầm rộ của những chuyến hàng Việt Nam thì người dân chỉ có thể đến tiệm tạp hóa mua theo kiểu “thích gì mua đó”, ít chú ý đến “hàng của ai”.

Người bán hàng cũng ít quan tâm đến hàng ngoại hay hàng Việt Nam, chỉ chủ yếu sao cho bán được hàng, tăng doanh thu. Điều đó lý giải vì sao khi tìm mua hàng Việt Nam ở NT, một số tiểu thương “quảng cáo”: “Có hàng Việt Nam nhưng mắc lắm, vài trăm một cái lận. Cái này hàng ngoại, giá rẻ hơn”.

Chị Tạ Thị Lài- bán quần áo chợ thị trấn Cái Nhum (Mang Thít) cho biết: “Quần áo trong nước kiểu dáng chưa bắt mắt, chất lượng lại không bằng, loại “xịn” thì giá cao, ít mẫu mã, người dân nghe giá là “ngán”. Tôi không dám nhập hàng Việt Nam có giá cao, vì thủ tục rườm rà, lại ít kiểu dáng, chỉ có “đại gia” mới tìm mua, rất khó bán”.

Thêm vào đó, một số hội chợ mạo danh hàng Việt Nam, bán hàng kém chất lượng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của người dân về hàng Việt Nam. Ghi nhận tại một hội chợ ở Trà Ôn, người bán treo đầy đồ chơi “made in China” nhưng khi được hỏi thì trả lời “là hàng Việt Nam đó chứ”.

Chị Nguyễn Phương Anh (thị trấn Trà Ôn) cho biết: “Nhiều mặt hàng bán như “đồ la” ngoài chợ, không thấy ghi nguồn gốc, xuất xứ cụ thể”. Bên cạnh đó, tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng là một rào cản lớn đối với hàng Việt Nam. Một phần do hàng Việt Nam còn hạn chế về chất lượng, mẫu mã, giá cả, dịch vụ chăm sóc khách hàng…

Để hàng Việt Nam là niềm tự hào

Sau những thông tin ồn ào xung quanh việc nhiều mặt hàng Trung Quốc có chứa chất độc hại làm người tiêu dùng ngao ngán và dần chuyển sang ưa chuộng hàng Việt Nam, vị thế của hàng Việt Nam đã lớn hơn trong nhận thức của người dân.

Đây được xem là cơ hội cho hàng Việt Nam giành lại thế chủ động trên sân nhà. Phần lớn người tiêu dùng nhận đã ý thức hơn về trách nhiệm, quyền lợi đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Người dân dần quan tâm đến xuất xứ chất lượng của hàng hóa hơn là chọn hàng giá rẻ.

Đang chọn mua một số đồ nhựa dùng trong gia đình, chị Châu Thị Lan Phương (xã Chánh Hội- Mang Thít) cho biết: “Trước đây, khi đi mua sắm, tôi ít để ý đến xuất xứ, chỉ chọn những sản phẩm có giả rẻ. Nhưng sau này tôi lựa hàng hóa “made in Viet Nam” mới mua vì giá cả tương đương, có khi rẻ hơn mà chất lượng hơn, an tâm hơn.
 
Sử dụng hàng Việt Nam cũng là một cách thể hiện lòng yêu nước, tự tôn dân tộc”. Tương tự, chị Phạm Hồng Hương (thị trấn Tam Bình) nói: “Chất lượng hàng Việt Nam ngày càng đảm bảo, mẫu mã đa dạng hơn, nhiều mặt hàng nhìn bắt mắt và giá cả cũng phù hợp với túi tiền của người dân hơn”.

Hàng Việt Nam đã dần có chỗ đứng trong lòng người dân, tuy vậy, ông Hồ Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Vĩnh Long) lưu ý:

Tuy người tiêu dùng đã dần tiếp nhận nhưng DN đừng nên chủ quan, phải sản xuất hàng hóa chất lượng, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá cả phải đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Khi thấy người tiêu dùng có nhu cầu, cần triển khai kênh phân phối bán lẻ để chiếm lĩnh thị trường, phải bổ sung kịp thời, mở rộng hệ thống phân phối đến vùng sâu vùng xa. Tránh trường hợp sau hội chợ, người dân muốn mua sản phẩm nhưng không được.

Bên cạnh đó, “DN cần huấn luyện kỹ năng bán hàng cho tiểu thương, thường xuyên tìm hiểu thông tin phản hồi từ khách hàng để cải tiến sản phẩm và mức độ hài lòng của người tiêu dùng về hàng Việt Nam, lắng nghe tiếp thu ý kiến và quan tâm hơn đến thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng”- ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh nói.

Thiết nghĩ, để hàng Việt Nam thâm nhập và đứng vững trên thị trường sân nhà, về lâu về dài, ngoài nỗ lực của các cơ quan ban ngành, của DN, người tiêu dùng cần sáng suốt, ý thức hơn về tầm quan trọng của dùng hàng Việt Nam. Đó không chỉ góp phần thể hiện tinh thần dân tộc mà còn góp phần đưa kinh tế nước nhà ngày một đi lên và phát triển hơn.

Ông Hồ Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Vĩnh Long):

Hiện Trung tâm đang đề xuất ban hành quy chế cụ thể về đơn vị tổ chức hội chợ, quy mô, chất lượng... Các cơ quan chức năng ở huyện- xã cần phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra các đơn vị tổ chức hội chợ.

Hội chợ nào cũng nói là hàng Việt Nam trong khi chỉ là hàng hóa không đảm bảo chất lượng sẽ khiến người dân chán nản, xa rời hàng Việt Nam. Do vậy, DN đừng vì lợi ích nhỏ mà làm mất đi ý nghĩa lớn của cuộc vận động.

Bài, ảnh: THẢO LY