Khó như bán... gạo

Cập nhật, 10:48, Thứ Sáu, 30/08/2013 (GMT+7)

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Vĩnh Long là gạo, thủy sản đều giảm mạnh trong 8 tháng qua. Xuất khẩu gạo giảm 12,68% về sản lượng và giảm 20,78% về giá trị, thủy sản giảm gần 38%... Từ đó, kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm đến hơn 10% và ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, gây áp lực lớn lên khi thời gian 4 tháng cuối năm gần kề, mà mục tiêu hãy còn khá xa, với hơn 40% kế hoạch năm phải hoàn thành.

Tháng 8 là tháng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc- thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam hiện nay mua chậm lại, do vào vụ thu hoạch. Trong khi các thị trường khác ở Châu Phi và Châu Á bị cạnh tranh khá gay gắt với gạo Thái Lan và Ấn Độ. Trong khi, Việt Nam vẫn chưa ký được hợp đồng cấp chính phủ đối với 2 thị trường truyền thống là Indonesia và Philippines.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong tháng 8 giảm mạnh 50% so với tháng trước và 69% so với cùng kỳ. Theo ý kiến của một đại diện VFA, lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 8 là hệ quả tất yếu do công tác điều hành trong thời gian qua đã khiến khách hàng có tâm lý do dự, muốn trì hoãn theo dõi biến động giá cả thay vì ký hợp đồng.

Trước đó, nhiều lo ngại trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trước thông tin Nghị định 109 sẽ được sửa đổi theo hướng bổ sung điều kiện xuất khẩu gạo, đặc biệt là phải có vùng nguyên liệu.

Trong khi các chuyên gia ngành nông nghiệp ủng hộ chủ trương này, thì các doanh nghiệp lại kêu khó. Nghị định 109 được Thủ tướng giao Bộ Công thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng phải liên kết hợp tác với sản xuất và chế biến.

Bido2_40.com