Thách thức từ TPP

Cập nhật, 16:16, Thứ Sáu, 27/09/2013 (GMT+7)

Khoảng tháng nữa Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương- TPP bước vào vòng đàm phán cuối. Tiếp theo WTO, TPP sẽ mở ra con đường thuận lợi hay khó khăn hơn cho doanh nghiệp (DN) trong nước?

Theo đánh giá, kinh tế Việt Nam có thể được hưởng các lợi ích từ TPP như: xuất khẩu hàng chế tác nhiều hơn, nhập khẩu nhiều hơn hàng tiêu dùng và hàng sản xuất. Bên cạnh, sẽ thu hút được nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, sẽ có quan hệ chặt chẽ hơn với các chuỗi sản xuất quốc tế, hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm cơ hội để tăng cường đầu tư vào nước ta. Các chuyên gia cũng cho rằng việc tham gia Hiệp định TPP giúp tăng cơ hội tiếp cận thị trường, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là với thị trường Hoa Kỳ cho những sản phẩm có thế mạnh (dệt may, thủy sản, giày dép, sản phẩm gỗ...).

Trực tiếp theo các vòng đàm phán TPP, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết việc tận dụng và tạo lợi thế tương đối cho nhau trong TPP “mở” hơn rất nhiều so với WTO. WTO chỉ mở cửa gần như một chiều thì TPP ngược lại, các nước muốn mình mở thị trường cho họ và họ cũng mở thị trường cho ta.

Theo TS. Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, TPP cũng giống WTO, chỉ mang đến cơ hội cho các DN và nền kinh tế, nếu chúng ta biết tạo lợi thế để có thể tham gia thực sự trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, DN Việt đã và sẽ phải sớm “dọn mình” để đáp ứng các yêu cầu của TPP.

Tuy nhiên đến nay, DN Việt Nam vẫn rất lơ mơ về Hiệp định TPP. Các chuyên gia khuyên DN phải chủ động tìm hiểu thông tin ngay từ khi TPP còn đang trong quá trình đàm phán để biết được các nước đang đàm phán cái gì, có thể tác động tới mình như thế nào, từ đó có sự chuẩn bị- đón đầu cơ hội hoặc phòng ngừa rủi ro. Vì với TPP, DN “muốn tránh cũng không được”.

Nên TPP được ví von như một cách để DN, nền kinh tế Việt “vừa chạy vừa xếp hàng”. Dù cái giá phải trả sẽ là rất lớn.

Bido2_40.com