Lão nông 30 năm xây cầu từ thiện

Cập nhật, 13:10, Thứ Ba, 12/04/2022 (GMT+7)

 

Chú Hai Sang (bìa trái) đang xem mọi người làm việc.
Chú Hai Sang (bìa trái) đang xem mọi người làm việc.

Đường sá thông thoáng và những chiếc cầu giao thông chắc chắn, đã tạo nên diện mạo khang trang, sạch đẹp cho xã nông thôn mới Tân Hưng, huyện Bình Tân hiện nay.

Đây là kết quả sự nỗ lực đầu tư của Nhà nước cũng như sự chung tay, đồng lòng của người dân.

Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ từ công sức của đội xây dựng cầu đường từ thiện xã Tân Hưng và đặc biệt là tấm lòng thiện nguyện của ông Huỳnh Tấn Sang (chú Hai Sang)- đội trưởng đội thi công cầu đường. Từng bước giúp xóa cầu khỉ, cầu tạm thay bằng cầu bê tông vững chắc, để người dân đi lại thuận tiện, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương.

Gia đình từng có hoàn cảnh khó khăn, nên chú Hai Sang tâm nguyện khi nào có điều kiện sẽ dành nhiều thời gian cho công tác thiện nguyện.

Từ ý nghĩ đó mà trong suốt 30 năm qua, chú đã gắn bó với công việc từ thiện: cất nhà, sưu tầm thuốc nam cung cấp cho các phòng chẩn trị từ thiện trong và ngoài huyện, rồi hỗ trợ trên 150 triệu đồng để mua xe chuyển bệnh miễn phí.

Đặc biệt là khi đến các xã: Tân Hưng, Tân An Thạnh, Tân Lược, Tân Bình, nhắc đến “chú Hai Sang xây cầu” là mọi người ai cũng biết vì chú đã chung tay “nối nhịp bờ vui” giữa các địa phương không chỉ ở huyện Bình Tân mà còn ở địa bàn khác trong tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh Đồng Tháp, An Giang.

Khi mới bắt đầu xây cầu từ thiện, nguồn kinh phí chưa có, sự chung tay đồng thuận của người dân chưa nhiều nên chú Hai Sang chỉ làm cầu ván.

Sau này, khi thấy được hiệu quả thiết thực, bà con đồng thuận, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm tin tưởng ủng hộ thì đội xây dựng cầu đường từ thiện của chú Hai Sang bắt đầu chuyển sang xây cầu bê tông.

Trong bộ áo bà ba đen, dáng người nhỏ nhắn, chú Hai Sang tâm sự: Lúc đầu khi đội thi công cầu mới được thành lập, gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lực chưa có và cũng chưa nhận được sự tin tưởng của người dân và chính quyền địa phương và đội không tới 10 người.

Nhưng vài năm sau, người dân và các nhà hảo tâm thấy hiệu quả cao nên ngày càng nhận được sự đóng góp về tiền và công sức để chung tay thực hiện.

Và hiện nay, mỗi khi thông báo với mọi người ngày nào xây cầu hay đổ mặt sàn cầu cần nhiều nhân công thì anh em đến rất đông, có ngày từ 50- 60 người góp sức thực hiện, không chỉ người dân ở xã Tân Hưng mà hầu như rất nhiều nơi từ Tân Lược, Tân An Thạnh, Tân Bình cũng tham gia, nên công việc được hoàn thành rất nhanh chóng.

Từ đó, tạo động lực rất lớn cho tôi nên tôi tiếp tục vận động nhà hảo tâm để về xây dựng cầu nông thôn cho bà con đi lại thuận tiện, dễ dàng. Tôi nguyện còn sức khỏe là còn cố gắng hết sức mình để xây dựng cầu cho bà con đi.

Chú Hai cho biết thêm: “Việc xây cầu từ thiện của mình trước đây xuất phát từ mong muốn làm việc gì đó để giúp ích cho địa phương, cho nhân dân.

Đặc biệt là trong hơn 10 năm qua, kể từ khi Đảng và Nhà nước triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bản thân tôi thấy đây là chủ trương đúng đắn nhằm phát triển kinh tế- xã hội ở vùng nông thôn nên tôi càng quyết tâm hơn nữa trong công tác vận động và xây dựng cầu, đường nông thôn, để từng bước đưa địa phương ngày càng phát triển”.

Ông Phạm Văn Bé Ba- người dân ấp Hưng Lợi, cho biết thêm: “Trong xã Tân Hưng hồi xưa tới giờ các cây cầu dường như gần hết đều do anh Hai Sang xây dựng, từ chỗ đó, bà con ở đây thấy anh Hai nhiệt tình với công tác thiện nguyện nên cũng góp công, góp sức cùng tham gia xây dựng cầu để cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, thuận lợi”.

Ngoài chỉ huy đội thi công, chú Hai Sang còn đích thân thiết kế từng chiếc cầu. Nhờ vậy, tiết kiệm gần 40% chi phí và thời gian.

30 năm làm công tác thiện nguyện, chú Hai Sang đã xây dựng trên 300 cây cầu lớn nhỏ, không chỉ giúp cho quê hương Bình Tân xóa cầu khỉ, bà con đi lại an toàn, giao thương thuận lợi, kinh tế địa phương phát triển, mà chú Hai Sang còn cùng với anh em trong đội sang tỉnh Đồng Tháp đến tận huyện Tân Hồng- giáp ranh Campuchia để xây cầu cho bà con nơi đây.

Xuất phát từ việc làm ý nghĩa, nhân văn của chú nên nhiều người tìm đến, tích cực góp công, góp của để cùng chú xây cầu “nối nhịp bờ vui”.

Bà Nguyễn Thị Bé Tư - người dân ở ấp Tân Long, chia sẻ: “Tôi cùng mọi người ở xã Tân Lược đều chung tay xây cầu với anh Hai, ai phụ giúp được việc gì thì làm việc nấy, như tôi thì nấu cơm, xách nước cho mọi người ăn uống. Ai cũng quý mến anh Hai Sang lắm, vì cái tâm của anh rất tốt”.

Ông Lê Văn Khoa- Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, thì cho rằng: Chú Hai Sang đã huy động được lực lượng để cùng nhau xây dựng cầu đường trong xã Tân Hưng rất nhiều, người dân tham gia rất đông, kể cả người dân ngoài địa phương cũng tham gia với chú.

Xã Tân Hưng là xã vùng sâu của huyện Bình Tân, trước đây đời sống nhiều khó khăn, giao thông trở ngại, đội thi công cầu đường của chú Hai Sang đã góp phần xóa cầu tạm, cầu khỉ. Giúp địa phương đạt chuẩn nông thôn mới và hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Là người “nối nhịp bờ vui” giao thông, chú Hai Sang còn là cầu nối thắt chặt tình đoàn kết giữa bà con trong cộng đồng dân cư. Chú thật sự trở thành tấm gương sáng bình dị giữa đời thường. Một “thủ lĩnh” xây cầu từ thiện nhiệt huyết và nhân hậu, góp phần phát triển nông thôn mới Bình Tân.

Bài, ảnh: TRUNG THÀNH